Hiện nay, việc sử dụng không đúng cách và lạm dụng các hóa chất trong sản xuất nông lâm nghiệp làm nguyên liệu cho thực phẩm đang là mối nguy hại lớn gây mất ATTP. Tuy nhiên, việc thanh kiểm tra tại hiện trường như các chợ cung cấp, chợ đầu mối, cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ đang gặp nhiều khó khăn.

Để có đủ cơ sở đưa ra hình thức xử lý đối với mặt hàng thực phẩm không đảm bảo chất lượng, nhất là các sản phẩm tươi sống, cơ quan chức năng phải lấy mẫu gửi đi phân tích định lượng tại phòng kiểm nghiệm. Quá trình kiểm nghiệm định lượng trong phòng thí nghiệm mất ít nhất từ 2 đến 4 ngày, cùng với thời gian này sản phẩm/lô hàng bị phát hiện không đảm bảo chất lượng có thể đã được đưa đi tiêu thụ, việc xử lý vi phạm chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính, cảnh cáo và các biện pháp giải quyết không mang tính kịp thời.

Để hạn chế điều đó, việc sử dụng các phương pháp phân tích định tính ngay tại hiện trường bằng kit thử nhanh để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra và kịp thời xử lý những sản phẩm thực phẩm không đảm bảo chất lượng là một giải pháp tốt trong tình hình hiện nay.

Xe kiểm tra nhanh an toàn thực phẩm tại Hà Nội dùng để phát hiện thực phẩm không an toàn, hỗ trợ hiệu quả cho lực lượng phản ứng nhanh trong công tác thanh, kiểm tra, đánh giá vệ sinh an toàn thực phẩm.

Xe kiểm tra nhanh an toàn thực phẩm tại Hà Nội dùng để phát hiện thực phẩm không an toàn, hỗ trợ hiệu quả cho lực lượng phản ứng nhanh trong công tác thanh, kiểm tra, đánh giá vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm là gì ?

Bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm bao gồm các dụng cụ, hóa chất hoặc môi trường nuôi cấy được chuẩn bị sẵn, đồng bộ đủ điều kiện để xét nghiệm một hoặc nhiều chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm nhất định, rút ngắn thời gian cho kết quả so với các phương pháp thử nghiệm chuẩn.

Các bộ xét nghiệm nhanh (kit thử nhanh) đưa vào sử dụng là các kít thử được cấp phép lưu hành theo quy định tại Thông tư số 11/2014/TT-BYT về “Quy định quản lý bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm”có hiệu lực từ ngày 1/6/2014

Danh mục các kít thử nhanh được phép lưu hành hiện nay do Bộ Y tế quản lý và theo quy định tại Điều 16 của Thông tư 11/2014/TT-BYT, các bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm đượcsử dụng trong các trường hợp:

  1. Thử nghiệm hỗ trợ cho công tác kiểm tra, thanh tra an toàn thực phẩm. Kết quả thu được từ thử nghiệm bằng bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm là kết quả ban đầu, chỉ mang ý nghĩa sàng lọc, định hướng cho các thử nghiệm khẳng định tiếp theo trong phòng thí nghiệm. Không sử dụng kết quả thu được từ thử nghiệm bằng bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm làm cơ sở để xử lý vi phạm;
  2. Thử nghiệm phục vụ kiểm soát an toàn trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm;
  3. Thử nghiệm giúp người tiêu dùng trong quá trình lựa chọn thực phẩm.

 Nguyên tắc chung để lựa chọn phương pháp phân tích nhanh

  1. Lựa chọn phương pháp kiểm tra nhanh cần phù hợp với tính chất và đặc điểm của từng loại sản phẩm thực phẩm nông lâm thủy sản như các sản phẩm tươi sống, các sản phẩm nông sản, các mẫu nước, không khí, kiểm tra điều kiện sản xuất (ánh sáng, nhiệt độ, pH…)
  2. Lựa chọn phương pháp kiểm tra nhanh dựa trên chỉ tiêu cần kiểm tra. Tùy thuộc vào kết quả cần đạt được mà có thể lựa chọn thiết bị, dụng cụ hay kit thử để làm phương pháp kiểm tra. Kết quả thu được có thể là kết quả cuối cùng để báo cáo/xử lý hoặc là kết quả gián tiếp, trung gian để có được kết quả cuối cùng.
  3. Lựa chọn phương pháp kiểm tra nhanh phù hợp với đặc điểm và cách thức thanh tra/kiểm tra tại hiện trường (có hoặc không kèm theo xe kiểm nghiệm chuyên dụng) hoặc mang về phòng kiểm nghiệm. Ví dụ như đối với các trường hợp cần có kết quả kiểm tra để có hành động xử lý kịp thời ngay tại hiện trường như kiểm tra sản phẩm tại chợ đầu mối, kiểm tra điều kiện sản xuất…nên lựa chọn các phương pháp có thể trả kết quả ngay lập tức hoặc trong thời gian ngắn nhất mà vẫn đảm bảo độ tin cậy…
  4. Lựa chọn phương pháp kiểm tra nhanh phải phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và con người. Một số phương pháp kiểm tra nhanh không cần thiết sử dụng các thiết bị phụ trợ hoặc chỉ yêu cầu những thiết bị đơn giản cùng với yêu cầu đơn giản với người thực hiện. Nhưng cũng có những phương pháp (như ELISA kit là một ví dụ) cần được đầu tư thiết bị, đòi hỏi người thực hiện phải được đào tạo bài bản và có chuyên môn nghiệp vụ. Do vậy, dựa trên nguồn lực có sẵn mà lựa chọn phương pháp cho phù hợp.

Phân loại các phương pháp kiểm tra nhanh

Dựa trên nguyên tắc sử dụng, đặc điểm cấu tạo và kết quả đầu ra của các phương pháp kiểm tra mà có thể phân loại thành hai nhóm phương pháp chính như sau:

Sử dụng dụng cụ, thiết bị đo nhanh: Đối với các phương pháp này không yêu cầu quá trình xử lý mẫu, kết quả đo được hiển thị trực tiếp đối với từng loại thang đo.

  • Đo các chỉ tiêu vật lý: pH, nhiệt độ, độ ẩm, áp suất, tốc độ gió, độ sáng…
  • Đo các chỉ tiêu sinh – hóa học: hàm lượng Nitrate, hàm lượng Chlorine, đo ATPase…

Sử dụng các kit kiểm tra nhanhvới những phương pháp thường bao gồm quá trình chuẩn bị mẫu phân tích, có thể phân làm hai nhóm:

  • Nhóm kit thử nhanh không cần thiết bị phụ trợ (phương pháp phân tích đã bao gồm đầy đủ đi kèm với kit thử): một số vi sinh vật, một số dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, một số chất phụ gia thực phẩm. Đối với nhóm chỉ tiêu này không đòi hỏi các thao tác phức tạp và thời gian phân tích ngắn (khoảng từ 05-45 phút/mẫu). Phương pháp phân tích thuộc nhóm này thường dễ dàng ứng dụng để kiểm tra nhanh tại hiện trường.
  • Nhóm kit thử nhanh cần thêm thiết bị phụ trợ, bao gồm: kim loại nặng (Pb, Cd, Hg), một số dư lượng thuốc thú y, dư lượng hooc môn, tăng trọng. Nhóm chỉ tiêu này đòi hỏi kiểm nghiệm viên phải được đào tạo vận hành các trang thiết bị phụ trợ để xử lý mẫu (máy xay mẫu, máy ly tâm, bể điều nhiệt, máy ủ…), thời gian trả kết quả đối với nhóm chỉ tiêu này trung bình từ 01-02 giờ/mẫu (riêng đối với một số chỉ tiêu vi sinh trung bình 24-48 giờ/mẫu). Những phương pháp phân tích thuộc nhóm này phù hợp với việc triển khai nhanh tại phòng kiểm nghiệm hoặc có thể thay đổi cho phù hợp để áp dụng được trên các xe kiểm nghiệm di động.

Yêu cầu chung đối với việc kiểm tra nhanh

Hoạt động kiểm tra nhanh có thể được thực hiện ngay tại hiện trường hoặc trên xe kiểm nghiệm di động chuyên dùng hoặc tại phòng kiểm nghiệm cố định. Dưới đây là các yêu cầu tối thiểu cần có để có thể triển khai các phương pháp phân tích kiểm tra nhanh.

Phòng kiểm nghiệm cố định

  • Nền và tường được ốp lát gạch men.
  • Diện tích: tối thiểu khoảng 20 m2 để kê các thiết bị: tủ lưu mẫu; tủ lạnh để bảo quản hóa chất, kit thử; bàn thao tác kiểm nghiệm và các bàn để kê thiết bị (cân, máy xay, máy ly tâm nhỏ, máy lắc mẫu,…).
  • Phải có hệ thống cung cấp điện, nước sạch đảm bảo cung cấp đủ theo công suất của thiết bị và nhu cầu sử dụng để thao tác và vận hành các thiết bị theo như quy trình tương ứng của mỗi loại test kit.
  • Có bồn rửa bằng vật liệu chống ăn mòn để tráng rửa dụng cụ.
  • Có bàn thao tác kiểm nghiệm bằng vật liệu chống ăn mòn hoặc ốp gạch men.

Các trang thiết bị phụ trợ tối thiểu

  • Thùng đựng mẫu: 01 bộ.
  • Tủ đông chưa mẫu: 01 cái.
  • Tủ lạnh để bảo quản hóa chất, chất chuẩn, Kit thử: 01 cái.
  • Cân mẫu: cân kỹ thuật (độ chính xác tối thiểu: 0.01 gam): 01 cái.
  • Máy xay mẫu (có thể thay bằng máy xay sinh tố): 01 cái.
  • Bếp điện: 01 cái.
  • Máy ly tâm loại nhỏ: 01 cái.
  • Máy lắc mẫu: 01 cái.
  • Dao, thớt để cắt mẫu: 01 bộ.

Yêu cầu về nhân sự

  • Có tối thiểu 02 cán bộ (tốt nhất có trình độ từ trung cấp có chuyên môn về kiểm nghiệm an toàn thực phẩm) để đảm bảo khả năng thay thế.
  • Các cán bộ phải được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ lấy mẫu, xử lý mẫu kiểm nghiệm.
  • Được đào tạo về sử dụng dụng cụ kiểm tra nhanh, phương pháp phân tích, xử lý mẫu cho từng loại kit tương ứng.
  • Khách quan, trung thực, có thể thực hiện hoạt động lấy mẫu một cách độc lập, không chịu sự can thiệp từ bên ngoài.
  • Có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao, không thực hiện khi có vết thương hở, bị cúm/cảm lạnh hoặc đang mắc bệnh truyền nhiễm.

Yêu cầu đối với dụng cụ, thiết bị và kit kiểm tra nhanh

  • Sử dụng các kit thử có trong danh mục được cấp phép bởi Bộ Y tế và cần phải xác định các giá trị sử dụng của phương pháp khi áp dụng kit thử đó trên các nền mẫu và điều kiện thực tế.
  • Sử dụng các thiết bị đo được chứng nhận và hiệu chuẩn định kỳ để đảm bảo kết quả có độ tin cậy cao.
  • Sử dụng thiết bị đo, kit thử theo khuyến cáo của nhà sản xuất: đồng bộ, thao tác vận hành, hạn sử dụng, thời hạn hiệu chuẩn…

Yêu cầu đối với vận hành

  • Sử dụng trang phục sạch sẽ để giảm thiểu rủi ro lây nhiễm.
  • Mang găng tay và khử trùng găng tay trước khi tiến hành. Đổi găng tay trước khi tiến hành với mẫu tiếp theo nếu có nguy cơ nhiễm chéo.
  • Vận hành sử dụng dụng cụ/ thiết bị theo đúng các quy trình kỹ thuật tương ứng.
  • Việc vận hành sử dụng kiểm tra ATTP phải được ghi chép lại đầy đủ.

FOSI (biên tập)

 Theo tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ kiểm nghiệm ATTP – Bộ NN&PTNT