– Hiện nay, ở hầu hết các nước phát triển, thịt gia súc, gia cầm sau khi giết mổ đều phải qua khâu xử lý làm mát rồi mới đưa ra thị trường tiêu thụ. Tại Việt Nam, cơ bản thịt mát hay cấp đông được sản xuất chưa đúng quy trình. Các siêu thị vẫn còn nhập thịt nóng ở lò mổ thủ công, một số siêu thị lớn thì yêu cầu chở đến bằng xe lạnh rồi tự pha lóc, đóng gói để vào tủ mát, để lâu thành thịt cấp đông.

thit

Thói quen mua thịt tại chợ khiến thịt sạch thực sự vẫn bị hạn chế trên thị trường

Hà Nội nỗ lực cho ra đời thịt sạch đúng chuẩn

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, quy trình chuẩn để có được thịt sạch là sau khi giết mổ trên dây chuyền công nghiệp, thịt sẽ được chuyển vào khu làm mát ở nhiệt độ từ 0 – 4 độ C trong thời gian 8 – 12 giờ đồng hồ. Sau đó mới được pha lóc, đóng khay thịt mát hoặc đóng gói thành phẩm đưa vào cấp đông. Tuy nhiên với thói quen ra chợ mua thịt tươi sống được bày bán, thậm chí là tận tay sờ nắn miếng thịt để tự cảm nhận độ tươi sống của miếng thịt của đại đa số người tiêu dùng thì thịt sạch theo chuẩn trên có chỗ đứng trên thị trường hiện nay. Do vậy, theo ông Đăng, thời gian tới cần đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi tập quán, thói quen của người tiêu dùng, từ sử dụng thịt nóng sang sử dụng thịt mát, cấp đông.

Ông Tạ Văn Tường – Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết, việc sản xuất các loại thịt mát, thịt cấp đông đúng quy chuẩn quốc tế sẽ tạo tiền đề thay đổi thói quen tiêu dùng thịt “nóng” của người dân, xóa bỏ tình trạng sản phẩm chăn nuôi phải giết mổ tiêu thụ trong ngày, tiến tới không còn hình thức kinh doanh thực phẩm sống tại các chợ cóc và phát triển mạng lưới tiêu thụ hiện đại, cân đối cung – cầu. Đây cũng là điều kiện quan trọng để tổ chức chăn nuôi công nghệ cao như các nước phát triển.

“Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền tới người tiêu dùng về lợi ích của việc sử dụng các sản phẩm thịt mát, thịt cấp đông, cần hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong sản xuất, xây dựng nhãn hiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm”, ông Tường nhấn mạnh.

Tại Hà Nội, một trong những đơn vị đi đầu trong xu hướng này là Công ty CP Trang trại Bảo Châu (huyện Sóc Sơn). Để thực hiện tiêu chí từ trang trại đến bàn ăn, Công ty đã đầu tư dây chuyền giết mổ treo tiêu chuẩn với quy mô nhỏ 20 con/ngày. Lợn được mổ treo, vệ sinh sạch sẽ rồi đưa vào nhà mát để giảm độ PH trong thịt từ 7,5 xuống 5,5 trước khi sơ chế. Sau đó, thịt được đưa vào đóng gói, hút chân không và cấp đông sâu trước khi đưa ra tiêu thụ nhằm bảo đảm chất lượng dinh dưỡng tốt nhất và ATTP đối với người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia, để có thể thay đổi thói quen, tập quán tiêu dùng thịt của người tiêu dùng hiện nay, cùng với biện pháp tuyên truyền, cần phải thu hút được các doanh nghiệp đầu mối xây dựng chuỗi liên kết hoàn chỉnh từ chăn nuôi đến giết mổ, chế biến. Đồng thời, thúc đẩy phát triển hệ thống cửa hàng tiện ích ở cả thành thị và nông thôn. Cùng với đó, phát triển các nhãn hiệu chứng nhận để người tiêu dùng không phải mua sản phẩm bằng lòng tin, mà có cơ sở khoa học để khẳng định chắc chắn đâu là sản phẩm an toàn.

Nhân rộng nhiều mô hình bán thịt mát, thịt cấp đông

Để nhân rộng mô hình bán thịt mát và thịt cấp đông trên địa bàn TP. Hà Nội, ngành nông nghiệp Thủ đô đã có tổ chức Tháng giới thiệu sản phẩm thịt mát, thịt cấp đông của các chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm an toàn trên địa bàn Thành phố trong tháng 1/2017.

Theo ông Tạ Văn Tường đánh giá: “Dù mới phát động phong trào nhưng đã có 6 doanh nghiệp lớn ở Hà Nội hưởng ứng tham gia gồm Công ty CP Công nghệ thực phẩm Vinh Anh, Công ty CP Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội (SHF), Công ty Cổ phần Lebio, Công ty CP Thương mại Lan Vinh, Công ty CP Trang trại Bảo Châu, Công ty TNHH thực phẩm sinh học Yummyvn”,

Ông Nhữ Đình Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Lebio – một trong những đơn vị tham gia cung cấp thịt cấp đông, làm mát cho biết: “Hiện mỗi ngày chúng tôi cung cấp cho thị trường 2 tấn thịt lợn ở dạng mát, cấp đông, giá trung bình trên 100.000 đồng/kg. Tuy nhiên, công suất nhà máy có thể cung cấp cho thị trường từ 150-200 tấn thịt mát, cấp đông/tháng. Các sản phẩm thịt này của công ty đã có mặt tại siêu thị Unimart, V+ và nhiều cửa hàng tiện ích”.

Ông Nhữ Đình Tú cho biết thêm, để có sản phẩm thịt mát, thịt cấp đông, sản phẩm thịt của công ty được chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học và được chế biến với dây chuyền công nghệ của châu Âu. Tuy nhiên, hiện nay khó khăn nhất đối với DN vẫn là đầu ra sản phẩm, do người tiêu dùng còn ngần ngại. Hơn nữa, việc đưa vào dây chuyền giết mổ hiện đại cùng với các chi phí kiểm dịch, tem, nhãn… khiến chi phí sản phẩm đội lên (ước tính tăng thêm trên 10.000 đồng/kg thịt lợn), sẽ khó cạnh tranh với sản phẩm chăn nuôi thông thường, được giết mổ theo các phương pháp thủ công.

Ông Đào Quang Vinh, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ thực phẩm Vinh Anh khẳng định, Vinh Anh sẽ tăng cường vào khâu sản xuất thịt mát, thịt cấp đông để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân về các sản phẩm chất lượng cao an toàn trong dịp Tết. Hiện mỗi ngày công ty cung cấp cho thị trường trung bình 12 tấn thịt lợn mát thông qua các cửa hàng tiện ích, siêu thị và bếp ăn tập thể trên địa bàn Hà Nội.

Hiện nay tại Hà Nội đã có 8 chuỗi liên kết chăn nuôi – tiêu thụ sản phẩm đăng ký tham gia giới thiệu thịt mát, thịt cấp đông như: Chuỗi thịt lợn Bảo Châu, chuỗi thịt lợn sinh học Xuka, chuỗi thịt gà Lan Vinh, chuỗi thịt lợn Vinh Anh… Sản lượng thịt mát, thịt cấp đông tiêu thụ trong tháng 1/2017 của 8 chuỗi trên đạt 9,4 tấn thịt lợn/ngày, 7 tấn thịt gà/ngày.

chinhphu.vn