Hiện nay, việc phân loại sữa dạng lỏng được áp dụng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng do Bộ Y tế ban hành năm 2010, với 7 loại: Sữa tươi nguyên chất thanh trùng, sữa tươi thanh trùng, sữa tươi nguyên chất tiệt trùng, sữa tươi tiệt trùng, sữa tiệt trùng, sữa cô đặc và sữa cô đặc có bổ sung chất béo thực vật.
Theo dự thảo của Bộ Y tế, sữa dạng lỏng được phân thành 7 loại, trong đó quy định rạch ròi nhóm sữa tươi và sữa tiệt trùng, giúp người tiêu dùng hiểu được bản chất thực của từng loại sữa, tránh nhầm tưởng các loại sữa dạng lỏng đều là sữa tươi.
Trong số này, khái niệm sữa tiệt trùng vẫn được nhiều người hiểu nhầm là sữa tươi.
Theo ông Lê Văn Giang – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), tại dự thảo mới, nhóm sữa tươi được phân thành 4 nhóm:
Sữa tươi nguyên chất (chế biến hoàn toàn từ sữa tươi nguyên liệu, không bổ sung bất cứ thành phần nào);
Sữa tươi nguyên chất tách béo (được tách chất béo và không bổ sung hoặc tách bớt bất kỳ thành phần nào);
Sữa tươi (chế biến chủ yếu từ sữa tươi nguyên liệu, có thể bổ sung các thành phần khác nhưng không nhằm mục đích thay thế thành phần của sữa) và sữa tươi tách béo.
Với sữa tiệt trùng được chia thành 3 nhóm: Sữa hoàn nguyên (làm từ sữa bột, thành phẩm gần như sữa tươi); Sữa pha lại (sản xuất từ sữa bột) theo đúng quy định quốc tế (Codex stan 206-1999) và tiêu chuẩn Việt Nam do Bộ Khoa học – Công nghệ ban hành (TCVN 11216:2015); Sữa hỗn hợp (được dùng để chỉ loại sữa làm từ cả sữa bột (hoặc sữa đặc) và sữa tươi thay vì chỉ quy định chung là nhóm sữa tiệt trùng tại quy định ban hành năm 2010.
Bộ Y tế bỏ khái niệm “sữa tiệt trùng” để đảm bảo công bằng cho người dân và doanh nghiệp. ảnh minh họa: TTXVN.
Lý giải cho việc cần thiết phải thay đổi khái niệm sữa tiệt trùng, một số chuyên gia nhận định sữa tươi nguyên liệu được sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu, số còn lại phải nhập khẩu sữa bột.
Do thiếu nguyên liệu, có những doanh nghiệp nhập khẩu sữa bột về để pha thành sữa nước, còn gọi là sữa hoàn nguyên và đánh tráo khái niệm, bán nhập nhèm dưới dạng sữa tươi. Như vậy, giá sẽ rẻ hơn, sản xuất nhanh hơn và doanh nghiệp cũng được lợi hơn.
Bên cạnh đó, có những ý kiến cho rằng khái niệm sữa tiệt trùng không khuyến khích phát triển nguồn sữa tươi nguyên liệu một cách bền vững, thậm chí có dấu hiệu bảo hộ các doanh nghiệp sản xuất sữa nước từ sữa bột, ảnh hưởng tới mục tiêu của ngành nông nghiệp về phát triển đàn bò sữa và sản lượng sữa tươi, làm tổn hại đến lợi ích của người chăn nuôi và doanh nghiệp sản xuất, chế biến sữa tươi.
Trước đó, tại Hội nghị giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách pháp luật về An toàn vệ sinh thực phẩm tại khu vực phía Nam ngày 6/3/2017, Thứ trưởng Y tế – ông Trương Quốc Cường cho biết sẽ kiến nghị làm minh bạch tên gọi của sữa tươi và sữa dạng lỏng làm từ sữa bột.
Theo ông Cường, những loại sữa này đang bán trên thị trường, gọi tên là “sữa tiệt trùng” là không thể chấp nhận được, nếu không có cơ sở khoa học mà chỉ vì lợi ích của doanh nghiệp trong việc tốn chi phí đã in bao bì sản phẩm.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, ông đã nghiên cứu kỹ bản kiến nghị của Hiệp hội Sữa Việt Nam, đại diện cho một số doanh nghiệp sữa đề nghị giữ nguyên khái niệm sữa như hiện nay với lý do ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.
Ông Cường bày tỏ quan điểm: Ngành sữa may mắn có các doanh nghiệp lớn tạo ra cạnh tranh giảm giá thành cho người tiêu dùng, giờ nhà nhà đều có thể uống được sữa.
Thứ hai, nông dân cũng nhờ các doanh nghiệp sữa này có việc làm, tăng thu nhập nhờ việc thu gom sữa của các doanh nghiệp.
“Đến một ngày nào đó, chúng ta bán cổ phần các doanh nghiệp sữa của Nhà nước, không chi phối nữa. Lúc đó, các đại gia chi phối có còn mua sữa của bà con hay không hay mua sữa của Thái Lan hay tập trung mua sữa bột nhập khẩu?
Các đại gia ngành sữa cũng có thể liên kết, sáp nhập không mua sữa của nông dân nữa. Lúc đó không có lợi cho ngành sữa và cả bà con nông dân”, ông Cường nói.
Từ đó, ông Cường đánh giá đề xuất minh bạch tên gọi các loại sữa có lợi cho nông dân và ngành sữa.
Tháng 7/2015, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XIII đã tổ chức Hội nghị giám sát chuyên đề “Quản lý sữa tươi nguyên liệu và sữa tươi dạng lỏng”.
Hội nghị đã kết luận nêu rõ hướng sửa đổi: Yêu cầu Bộ Y tế phải sửa đổi tên gọi “sữa tiệt trùng” thành “sữa hoàn nguyên” và “sữa pha lại” theo thông lệ chung của quốc tế.
Trước và sau hội nghị giám sát của ủy ban, Bộ Y tế cũng nhận biết được thực tế này và đã có một số động thái như: Tháng 4/2015, Bộ Y tế ra thông báo sửa đổi Quy chuẩn. Tháng 4/2016, Bộ Y tế tiếp tục hội thảo chốt việc sửa đổi QCVN 5-1:2010/BYT.
Dự thảo phân tách khái niệm “sữa tiệt trùng” hiện nay thành “sữa hoàn nguyên”, “sữa pha lại” và “sữa hỗn hợp”. Cách phân chia này nhận được sự đồng thuận cao của các đại biểu tham dự.
Sau nhiều nỗ lực làm rõ các nội dung này, Bộ Y tế đi đến quyết định sẽ loại bỏ khái niệm “sữa tiệt trùng”.
nguồn baomoi.com