Hơn 1.900 loài côn trùng có thể chế biến thành những món ăn dinh dưỡng như sâu bướm, châu chấu, cào cào, ve sầu, dế, mối, chuồn chuồn.
Trong thời đại bùng nổ dân số như ngày nay, tình trạng thiếu lương thực đã trở thành vấn đề nan giải của hầu hết các tổ chức, quốc gia trên toàn thế giới. Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc( FAO) cho biết, mặc dù nhu cầu lương thực trên thế giới ngày càng tăng, song sản lượng lương thực lại không đáp ứng kịp thời nhu cầu. Nhiều chuyên gia dự đoán rằng, năm 2050 sẽ có khoảng 9 tỷ người rơi vào tình trạng thiếu hụt lương thực.
Theo tiến sĩ Susan Lawler – giám đốc bộ phận quản lý môi trường và hệ sinh thái tại ĐH La Trobe, với tình trạng thiếu lương thực trong vài năm tới, thì các nguồn protein mới và hiệu quả là rất cần thiết để nuôi sống con người và gia súc. Với các cuộc nghiên cứu của tiến sĩ Lawler cùng các cộng sự, bà đã đưa ra những lý do tại sao côn trùng lại trở thành thức ăn trong chế độ ăn của con người trong tương lai.
Các loại côn trùng có khả năng sinh sản rất cao. Chúng thích nghi nhanh chóng đối với các thay đổi về môi trường. Dù có nhiều biến động trong hệ sinh thái, côn trùng vẫn sống sót trong khi hàng loạt giống loài khác rơi vào tuyệt chủng. Đặc biệt, côn trùng cung cấp một hàm lượng dinh dưỡng và protein cao hơn so với thịt, cá. Một số loài giàu các vi chất như đồng, magie, mangan, photo, kẽm, sắt,… Chính vì đó, chúng rất giàu protein, chất béo, chất khoáng. So với nguồn protein hiện tại như thịt bò, thịt lợn, thịt cừu, hải sản thì côn trùng không hề gây ô nhiễm. Con người có thể dễ dàng “chăn nuôi” nhiều loại côn trùng trong một khoảng không gian, không tốn quá nhiều công sức, cơ sở vật chất.
Côn trùng – thực phẩm cứu cánh của tương lai
Ẩm thực côn trùng không phải là một khái niệm mới ở nhiều nước trên thế giới. Theo báo cáo của FAO , hơn 2 tỷ người trên thế giới đang bổ sung dưỡng chất bằng cách ăn côn trùng trong bữa ăn hàng ngày. FAO cũng cho biết thêm, hơn 1.900 loài côn trùng có thể chế biến thành những món ăn dinh dưỡng như sâu bướm, châu chấu, cào cào, ve sầu, dế, mối, chuồn chuồn,… Côn trùng tuy nhỏ nhưng lại cực kỳ hiệu quả trong việc sản xuất ra thịt. Chẳng hạn để tạo ra một lượng protein như nhau, một con bò sẽ cần một khoảng thời gian gấp 12 lần so với con dế, một con bò sẽ gấp 4 lần, lợn và gà gấp 2 lần. Phần lớn côn trùng thải ra ít khí thải nhà kính hơn so với gia súc, gia cầm.
Dưới sự kêu gọi của tổ chức FAO, nhiều công ty hàng đầu ở phương Tây đang tiên phong trong xu hướng sử sụng côn trùng làm thực phẩm. Skye Blackburn, người sáng lập ra cửa hàng online thực phẩm côn trùng, đã đi đầu trong công nghiệp tiêu thụ côn trùng ở Úc. Blackburn cho biết: “Trong vòng 5-10 năm, chúng ta sẽ thấy các sản phẩm thức ăn côn trùng được bày bán trong siêu thị vì hàm lượng protein tự nhiên cao, giàu vitamin, khoáng chất, các axit béo có lợi. Ví dụ dế có nhiều canxi, mối có nhiều chất sắt”.
Tại châu Á, côn trùng đang trở thành một đặc sản, thậm chí có nhiều ở các cửa hàng. Những món ăn chế biến từ côn trùng được bán rong trên những con phố ở Thái Lan. Chị Areerat Jantao, một người bán món bọ cạp ở Bangkok, cho biết: “Người Trung Quốc thích ăn bọ cạp. Họ thích ăn đuôi, nơi có nọc độc của bọ cạp, vì tin rằng ăn nọc sẽ làm họ mạnh mẽ”. Nhiều loại côn trùng được những người kinh doanh sử dụng để làm món ăn như dế, gián, bọ cánh cứng, sâu tre,.. nhưng loại côn trùng được ưa chuộng nhất là châu chấu. “Chúng có vị gần giống với tôm và chúng rất sạch sẽ”, Weerayuth Srisooh, người cung cấp côn trùng nhận xét. Ở nước ta, rất nhiều món ăn từ côn trùng thường có trong bữa cơm gia đình. Nhộng tằm là một món ăn phổ biến, thường rang kèm với lá chanh để tăng hương vị. Hay như món châu chấu rang, dế mèn rang lá chanh giàu đạm, canxi, ít chất béo, giảm lượng cholesterol. Người dân Trà Vinh đã quá quen thuộc với món đuông. Họ chế biến ba loại đuông thành món đặc sản gồm đuông chà là, đuông dừa, đuông đất. Đuông là ấu trùng của bọ rầy. Để tăng hương vị, người dân nhét lạc vào đuông. Vị béo của đuông hòa quyện với vị ngậy của lạc khiến người thưởng thức không bao giờ quên. Nếu côn trùng được xử lý đúng cách, an toàn, chế biến theo quy trình, sử dụng phù hợp với từng thể trạng của mỗi người thì chúng sẽ đem đến cho bạn những hương vị hấp dẫn.
Côn trùng và những con số thú vị
250km: Một chiếc ô tô chạy được 250 km sẽ sản sinh ra một lượng khí thải nhà kính tương tự khi chúng ta cần để sản xuất ra 1 kg thịt bò.
10 kg: Đó là lượng thực phẩm cần thiết để sản xuất ra 1kg thịt bò. Chỉ 50% trong lượng thực phẩm đó có thể ăn được. Ngược lại, cũng với 10kg thực phẩm đó sẽ sản xuất ra 9 kg côn trùng, và 95% lượng thực phẩm có thể ăn được.
65%: Đó là tỷ lệ protein có trong dế rang, trong khi một miếng thịt bò chứa 28%. Dế có 60% chất béo có lợi, vitamin B12 cũng gấp đôi như thịt bò.
1 ml và 3400 l: Chỉ cần tốn 1ml nước để cho ra 200 g protein côn trùng. Nhưng để sản xuất cùng với lượng protein thịt bò, ta phải mất 3400 l nước.
Ngay từ bây giờ, con người nên thay đổi quan niệm thói quen ăn uống truyền thống, cần coi côn trùng là nguồn thực phẩm “xanh”, có lợi cho sức khỏe và an toàn cho môi trường. Có thể trong vài năm tới, những món ăn từ châu chấu, dế, ve sầu và nhiều loại côn trùng khác sẽ trở nên quen thuộc với con người . Côn trùng chính là một trong những câu trả lời cho bài toán chống lại nạn đói toàn cầu.