Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp với Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep) vừa tổ chức lễ ra mắt Câu lạc bộ Nước mắm truyền thống và công bố tiêu chuẩn nước mắm truyền thống Việt Nam đến người tiêu dùng.
Câu lạc bộ Nước mắm truyền thống trực thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, do ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Vasep làm Chủ nhiệm. Câu lạc bộ Nước mắm truyền thống là sự liên kết của các Hiệp hội thành viên như: Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc, Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết, Hiệp hội Nước mắm Nha Trang…
Đây là lần đầu tiên Vasep cùng với Câu lạc bộ Nước mắm truyền thống công bố bộ tiêu chuẩn nước mắm truyền thống Việt Nam. Bộ tiêu chuẩn này được biên soạn theo Nghị định 127/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn.
Tiêu chuẩn của nước mắm truyền thống dựa trên các chỉ số như: Độ đạm tối thiểu là 15 độ; không có chất bảo quản, chất tạo sệt, phẩm màu, hương liệu nhân tạo; độ mặn phải đạt từ 245g – 290g muối/lít. Đặc biệt, thời gian ủ cá phải ít nhất là 9 tháng. Mục đích của việc công bố tiêu chuẩn nước mắm truyền thống nhằm giúp người tiêu dùng phân biệt giữa nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp.
Ông Vũ Thế Thành, Thạc sỹ Quản trị chất lượng, Giảng viên an toàn thực phẩm của Vasep cho biết, nước mắm truyền thống sẽ có sự kiểm soát về chất lượng giữa các doanh nghiệp.
“Bên cạnh việc kiểm tra của các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp trong Câu lạc bộ nước mắm truyền thống còn kiểm tra để bảo vệ uy tín cho nhau. Đây là điểm mới của các doanh nghiệp sản xuất nhỏ, quy mô hộ gia đình đã có sự liên kết để mang lại quyền lợi chung”, ông Thành cho biết.
Tiến sĩ Vũ Thế Thành cho biết, bộ tiêu chuẩn cơ sở này gồm tiêu chuẩn về độ đạm (tối thiểu 15 độ); thời gian ủ chượp (ít nhất 9 tháng); độ mặn (dao động trong khoảng 245-290g muối/lít nước mắm) và tuyết đối không sử dụng chất bảo quản, hương nhân tạo.
Đây là những tiêu chuẩn được lưu hành trong Câu lạc bộ Nước mắm truyền thống, làm tiêu chí, điều kiện để các doanh nghiệp muốn tham gia phải đáp ứng.
Cũng theo ông Thành, lâu nay, mỗi doanh nghiệp đều đã có những tiêu chuẩn riêng của mình. Thậm chí, có những tiêu chuẩn, chẳng hạn về độ đạm cao hơn bộ tiêu chuẩn cơ sở kể trên. Tuy nhiên, quy định một mức chung ở mức vừa phải là để nhiều cơ sở có thể đáp ứng, nhất là doanh nghiệp ở khu vực Bắc bộ mà hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết mùa đông lạnh.
Bộ tiêu chuẩn cơ sở của nước mắm truyền thống được các doanh nghiệp tự nguyện đáp ứng và tự nguyện cam kết, công bố với người tiêu dùng. Tiêu chuẩn này hoàn toàn khác với quy chuẩn quốc gia (mang tính pháp lý và bắt buộc tuân thủ).
Câu lạc bộ Nước mắm truyền thống trực thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP). Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Câu lạc bộ.
Theo ông Hòe, thời gian tới, câu lạc bộ sẽ vận động để được cơ quan quản lý công nhận chính thức bộ tiêu chuẩn này và xây dựng xong bộ Quy chuẩn quốc gia về nước mắm để chống cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp sản xuất nước mắm với nước chấm hay nước mắm công nghiệp. Bước tiếp theo là thành lập hiệp hội nước mắm truyền thống trên cả nước, đưa đến người tiêu dùng những sản phẩm tốt, ngon và an toàn.
Trước đó, theo ông Phó Đức Sơn, Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Bộ KH&CN), Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đưa vào kế hoạch soát xét tiêu chuẩn TCVN 5107:2003 sau hơn 10 năm áp dụng. Theo đó dự kiến sẽ làm rõ định nghĩa về nước mắm (về sản phẩm và quy trình sản xuất); xem xét các chỉ tiêu và mức chất lượng cũng như phụ gia thực phẩm được phép sử dụng; cập nhật, bổ sung các phương pháp thử.
Hiện thị trường nước mắm Việt Nam đang được định giá vào khoản 501 triệu USD, với hơn 70.000 tấn nước mắm được sản xuất trong năm 2015. Mỗi năm hơn 300 triệu lít nước mắm được tiêu thụ, trung bình một người dân VN tiêu thụ 4 lít nước mắm mỗi năm.
Theo vietq.vn