Để kinh doanh phân phối thực phẩm nhập khẩu tại Việt Nam, doanh nghiệp cần đáp ứng những điều kiện gì?
Để kinh doanh phân phối thực phẩm nhập khẩu, cơ sở cần có các điều kiện sau
Giấy phép kinh doanh
Giấy phép kinh doanh là một trong những thủ tục hành chính bắt buộc mà doanh nghiệp và thương nhân phải hoàn tất trước yêu cầu của nhà nước, nhằm quản lý các công việc kinh doanh. Bất cứ hình thức kinh doanh nào chỉ được xem là hợp pháp trong nước nếu có giấy phép kinh doanh. Do đó, để kinh doanh phân phối thực phẩm nhập khẩu trước hết cơ sở cần có giấy đăng ký kinh doanh có ngành nghề kinh doanh thực phẩm.
Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
Ngày 01-07-2011 Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 chính thức có hiệu lực. Để hướng dẫn thực hiện luật An toàn thực phẩm Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2012/NĐ-CP. Theo đó các đơn vị là cá nhân, tổ chức, công ty sản xuất, kinh doanh lĩnh vực thực phẩm bắt buộc phải xin Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm.
Nếu cơ sở đã đi vào hoạt động mà không tiến hành xin giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thì mức phạt từ cảnh cáo đến đóng cửa và phạt hành chính lên đến 200 triệu (mức phạt quy định chi tiết trong Nghị định 178/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt hành chính vi phạm an toàn thực phẩm) của Chính phủ.
Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm
Căn cứ Luật An Toàn thực phẩm số 55/2010/QH12, Nghị định 38/2012/NĐ-CP – quy định chi tiết một số điều luật an toàn thực phẩm và thông tư 19/2012/TT-BYT – hướng dẫn việc Công bố hợp quy và Công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm: Thực phẩm nhập khẩu bắt buộc phải đảm bảo đủ các điều kiện về An Toàn thực phẩm. Trong đó phải xin giấy phép công bố thực phẩm nhập khẩu hoặc công bố phù hợp quy định An toàn thực phẩm do Cục An Toàn thực phẩm cấp giấy phép.
Thông báo lô hàng đạt chất lượng nhập khẩu
Các lô hàng thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam phải được kiểm tra tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được cấp Thông báo lô hàng đạt chất lượng nhập khẩu (theo quy định tại Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm).
Giấy phép quảng cáo
Đối với việc dán poster quảng cáo tại cơ sở: Cơ sở phải xin phép thẩm định nội dung quảng cáo thực phẩm của cơ quan chức năng và chỉ được phép quảng cáo đúng với nội dung đã được thẩm định (Theo Luật an toàn thực phẩm; Luật quảng cáo ngày 21/6/2012; Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo; Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo).
Như vậy giấy phép quảng cáo thực phẩm chính là kết quả của việc nộp hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo, kể từ khi có giấy phép quảng cáo thì tổ chức và cá nhân mới được thực hiện việc quảng cáo theo quy định.