Đại diện Hiệp hội các doanh nghiệp, địa phương cũng bày tỏ ủng hộ những thay đổi của Bộ Y tế khi xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP cho phép doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm được tự công bố hợp quy, thay đổi căn bản kiểm soát thực phẩm nhập khẩu, thu gọn quản lý quảng cáo thực phẩm… Nhờ vậy, có tới 90% số thủ tục đã được bãi bỏ, cơ quan nhà nước sẽ giám sát theo phương thức quản lý rủi ro, kiểm tra hậu kiểm.
Khoảng 95% lô hàng thực phẩm nhập khẩu sẽ không phải kiểm tra chuyên ngành
Thông tin tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP sẽ có sự thay đổi căn bản trong quy định kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP). Theo đó, dù quy định đối với doanh nghiệp “thoáng” hơn nhưng nếu vi phạm thì mức độ xử lý sẽ rất nặng. Cụ thể, những doanh nghiệp không công bố chất lượng sản phẩm thực phẩm hợp quy sẽ bị xử lý. Những doanh nghiệp đã công bố nhưng thực hiện không đúng theo công bố sẽ bị xử lý. Và nặng nhất là những doanh nghiệp có sản phẩm buộc phải kiểm nghiệm theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước mà không đạt các chỉ tiêu an toàn sẽ bị rút ngay giấy phép kinh doanh sản phẩm đó. Sau khi hết thời hạn xử phạt, những doanh nghiệp này sẽ nằm trong danh sách bị thanh tra, kiểm tra nhiều lần trong khi các doanh nghiệp khác chỉ kiểm tra 1 lần.
Các mặt hằng đã được cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm sẽ không cần kiểm tra chuyên ngành. (Ảnh minh họa)
Điểm đổi mới lớn nhất trong Dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 38 hiện hành là trước đây, 100% mặt hàng thực phẩm nhập khẩu khi thông quan đều phải kiểm tra chuyên ngành thì nay sẽ mở rộng diện không cần kiểm tra, chẳng hạn như các sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm; sản phẩm tạm nhập khẩu để bán tại các cửa hàng miễn thuế; hay sản phẩm nhập khẩu chỉ để sản xuất, gia công nội bộ trong cơ sở…
Phương thức kiểm tra nhà nước về ATTP cũng có sự thay đổi đột phá. Cụ thể, với kiểm tra giảm (kiểm tra hồ sơ), cơ quan chức năng sẽ chỉ tiến hành kiểm tra xác suất, tối đa 5% hồ sở trên tổng số lô hàng do hải quan lựa chọn ngẫu nhiên…
Trước đó, cũng liên quan về nội dung này, tại cuộc họp của Bộ Y tế và các doanh nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ, với việc thay đổi quy định về kiểm tra chuyên ngành như trên thì tới đây, khoảng 95% lô hàng thực phẩm nhập khẩu sẽ không phải kiểm tra chuyên ngành.
Chỉ còn 3 nhóm mặt hàng phải đăng ký công bố sản phẩm
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, điểm mới tiếp theo là tới đây, chỉ còn 3 nhóm mặt hàng phải đăng ký công bố sản phẩm gồm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe; thực phẩm dinh dưỡng y học; phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm chưa có trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm. Tuy nhiên, không phải tất cả các sản phẩm thực phẩm trong 3 nhóm thực phẩm này đều phải đăng ký công bố sản phẩm mà cũng chỉ có một số nhóm mặt hàng phải công bố.
Về các điểm mới tiếp theo của dự thảo Nghị định này, theo thông tin của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long là thay đổi quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh để đảm bảo ATTP, tiệm cận với các phương thức quản lý chung trên toàn cầu. Đó là mở rộng diện các doanh nghiệp không cần phải có giấy xác nhận đủ điều kiện ATTP cũng như mở rộng đối tượng các cơ sở được miễn cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Theo đó, các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, các cơ sở sơ chế sản phẩm ban đầu, các nhà hàng, cửa hàng ăn uống… sẽ không phải xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP mà được quyền tự công bố và chịu trách nhiệm. “Tất cả quy định mới này nhằm giảm tối đa thủ tục hành chính”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Phân tích hai nhóm vấn đề khi thay thế Nghị định 38, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, dự thảo Nghị định thay thế thể hiện rất cụ thể cách làm theo khuyến nghị của thế giới nhưng khi thực hiện rất khó khăn. Thứ hai là liên quan đến nguyên tắc làm việc, Chính phủ tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuận lợi. Ban Chỉ đạo vệ sinh ATTP có trách nhiệm “gác gôn” bảo đảm vệ sinh ATTP.
“Đây là một cuộc đổi mới tư duy. Kết quả làm có những tiến bộ nhưng cũng còn có những việc không thể một lúc, một chốc mà làm được. Vậy chúng ta phải đề ra những nội dung mà làm, quan trọng là phải làm có lộ trình và phải tiến lên”, Phó Thủ tướng nêu rõ.