Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống được Cục Quản lý môi trường y tế cùng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường – Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến ngày 28-12 đã giảm 16 chỉ tiêu về chất lượng nước ăn uống so với quy chuẩn cũ (QCVN 01:2009/BYT). Quy chuẩn mới này cũng quy định cụ thể và chặt chẽ hơn về tần suất kiểm tra, giám sát chất lượng nước.

Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội lấy mẫu nước sinh hoạt để kiểm nghiệm

Giảm chỉ tiêu xét nghiệm bắt buộc

TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cho biết, hiện nay việc giám sát chất lượng nước ăn uống ở nước ta được thực hiện theo Quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt (QCVN 01:2009/BYT) đã được Bộ Y tế ban hành từ năm 2009. Tuy nhiên, sau 6 năm thực hiện quy chuẩn này bắt đầu bộc lộ nhiều bất cập. Dù bộ quy chuẩn đưa ra đến 109 chỉ tiêu giám sát chất lượng nước, song trên thực tế, tần suất kiểm tra, giám sát chất lượng các chỉ tiêu về nước ăn uống nói trên không được thực hiện đầy đủ do phần lớn các đơn vị cấp nước, các Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) của các địa phương không đủ năng lực xét nghiệm đầy đủ.

Cụ thể, hầu hết các nhà máy cấp nước, các TTYTDP tỉnh, thành phố chỉ có khả năng kiểm tra được 15 chỉ tiêu nhóm A (E.coli, Coliform, Asen, Florua…) và một số chỉ tiêu nhóm B, đa số những chỉ tiêu chất lượng nước cần giám sát còn lại của nhóm B (hàm lượng chì, thủy ngân…) rất ít đơn vị thực hiện được.

Ông Cao Văn Quý, Phó Giám đốc Công ty Cấp nước Hải Phòng chia sẻ, hiện nay ngoài các chỉ tiêu chất lượng nước ở mức giám sát A và một số ít chỉ tiêu giám sát mức độ B, còn lại muốn giám sát mức độ B và C, Hải Phòng đều phải gửi mẫu đến các viện của trung ương để xét nghiệm, vừa tốn kém vừa rất mất thời gian. Tương tự, trước đó một đơn vị cấp nước tại Thừa Thiên – Huế cũng phản ánh, có tới 38 chỉ tiêu trên tổng số 109 chỉ tiêu quy định về chất lượng nước ăn uống không hề thay đổi trong suốt 15 năm qua, vậy mà họ vẫn phải tiến hành kiểm tra, giám sát, gây lãng phí nguồn lực không nhỏ.

Qua rà soát, dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống lần này đã giảm từ 109 chỉ số giám sát ở quy chuẩn 01:2009/BYT xuống chỉ còn 94 chỉ số. Bà Lê Thái Hà, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cho biết, 16 chỉ tiêu được bỏ đi là những chỉ số không có bằng chứng ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc các số liệu thống kê cho thấy hàm lượng trong nước thấp hơn rất nhiều lần so với mức có thể ảnh hưởng. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng số chỉ tiêu này vẫn còn lớn nên tiếp tục rà soát và giảm bớt cho hợp lý.

Siết chặt nhưng phải khả thi

Một điểm mới đáng chú ý khác là Quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước ăn uống sửa đổi lần này phân loại rõ 4 đối tượng áp dụng quy chuẩn và quy định lại tần suất giám sát, trách nhiệm của các đơn vị trong công tác kiểm tra chất lượng nước… Cụ thể, về đối tượng áp dụng, quy chuẩn này quy định cả nhóm cá nhân, hộ gia đình không sử dụng nước cho mục đích kinh doanh, tự khai thác nước ngầm, nước mặt để ăn uống và sinh hoạt cũng phải thực hiện.

Về tần suất kiểm tra, Quy chuẩn yêu cầu các cơ sở khai thác và kinh doanh nước phải tự kiểm tra định kỳ lại toàn bộ các chỉ tiêu chất lượng nước thuộc mức độ giám sát A ít nhất 1 lần/tuần, kiểm tra các chỉ tiêu mức độ giám sát B ít nhất 1 lần/6 tháng; TTYTDP các tỉnh, thành phố phải định kỳ kiểm tra các cơ sở cấp nước đang áp dụng khoa học công nghệ an toàn các chỉ số mức độ giám sát A, B ít nhất 1 lần/năm và các chỉ số giám sát C ít nhất 1 lần/2 năm; cùng đó kiểm tra đột xuất khi phát hiện nguồn nước có nguy cơ bị ô nhiễm hoặc xảy ra sự cố bất thường trên hệ thống xử lý nước, hệ thống phân phối nước sau xử lý…

Tuy nhiên, góp ý vào dự thảo, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế cho rằng bộ quy chuẩn đã quá tham vọng và ôm đồm khi quy định cả các quy chuẩn hành chính. Theo ông Nguyễn Huy Nga, quy chuẩn kỹ thuật mà lại quy định cả các nội dung hành chính về tần suất kiểm tra giám sát, đơn vị chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, giám sát… là không hợp lý mà phần này nên đưa vào thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế.

Mặt khác, về đối tượng áp dụng của quy chuẩn cũng phải cân nhắc lại, nhất là không nên đưa hộ gia đình vào diện quy chuẩn này. “Đã là quy chuẩn thì phải thực hiện, không thực hiện thì phải xử phạt. Hiện nay hộ gia đình tự khai nước nước giếng, nước mưa để ăn uống, chẳng nhẽ lại xuống kiểm tra, lấy mẫu nước phát hiện có E.coli, Coliform thì xử phạt. Lúc đó muốn xử phạt cũng không dễ mà không xử phạt thì hóa ra luật pháp không nghiêm” – PGS.TS Nguyễn Huy Nga phân tích.

Ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế cho biết, những lo ngại nói trên là rất có cơ sở. Ban soạn thảo dự thảo Quy chuẩn sẽ tiếp thu và tiếp tục lấy ý kiến trước khi trình Bộ Y tế ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước ăn uống áp dụng cho giai đoạn tới, đảm bảo vừa kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước vừa có tính khả thi.

 

Pháp luật TPHCM