Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã cập nhật chính sách xuất nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Indonesia do Bộ Nông nghiệp Indonesia tổ chức Hội nghị phổ biến mới đây.

Ảnh minh họa

Kiểm soát an toàn thực phẩm và xuất khẩu thực phẩm tươi sống có nguồn gốc thực vật

Các đối với các sản phẩm nông sản, thực phẩm có nguồn gốc thực vật trước khi xuất khẩu vào Indonesia phải tuân theo quy định sau:

Trường hợp được xuất khẩu từ nước đã được Indonesia công nhận Hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm: Trước khi sản phẩm được đưa lên phương tiện vận chuyển để xuất khẩu, doanh nghiệp phải thực hiện “thông báo trước” về lô hàng thông qua trang web chính thức của Cơ quan Kiểm dịch Nông nghiệp Indonesia (IAQA) http://www/karantina.deptan.go.id hoặc vào trực tiếp trang web http://notice.karantina.peitanian.go.id.

Trường hợp được xuất khẩu từ nước chưa được Indonesia công nhận hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm nhưng đã có phòng kiểm nghiệm được indonesia công nhận: Trước khi xuất khẩu, doanh nghiệp phải thực hiện “Thông báo trước” về lô hàng thông qua trang web chính thức của Cơ quan Kiểm dịch Nông nghiệp Indonesia (IAQA) http://www/karantina.deptan.go.id hoặc vào trực tiếp trang web http://notice.karantina.pertaniango.id, đồng thời phải có Giấy chứng nhận phân tích (CoA) kèm theo từng lô hàng xuất khẩu.

Trong đó, Giấy chứng nhận CoA phải được cấp bởi Phòng kiểm nghiệm đã được đăng ký với IAQA và được IAQA công nhận. Giấy chứng nhận CoA phải có đầy đủ thông tin sản phẩm, chủ sở hữu của sản phẩm, tính chất sản phẩm, ngày kiểm nghiệm, phương pháp thử, kết quả phân tích và chứng nhận đảm bảo tuân thủ yêu cầu an toàn thực phẩm của Indonesia.

Hiện nay, Cơ quan có thẩm quyền của Indonesia đã công nhận danh sách 10 phòng kiểm nghiệm của Việt Nam được thực hiện phân tích chỉ tiêu an toàn thực phẩm sản phẩm nông sản có nguồn gốc thực vật xuất khẩu sang Indonesia theo Quyết định số 04/2015.

Quy định về nhập khẩu thịt không xương

Bộ Nông nghiệp Indonesia quy định, các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu thịt không xương vào Indonesia cần có giấy chứng nhận sức khỏe động vật, giấy chứng nhận kiểm dịch của nước sở tại và chứng chỉ Halal do cơ quan có thẩm quyền của Indonesia cấp. Các doanh nghiệp nhà nước Indonesia trước khi nhập khẩu phải xin giấy giới thiệu từ Bộ Nông nghiệp Indonesia và giấy phép nhập khẩu của Bộ Thương mại nước này.

Các sản phẩm nhập khẩu phải được bảo quản trong tủ đá lạnh, khi phân phối tiêu dùng cần phải ghi rõ thời gian sử dụng nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Kiểm dịch xuất nhập khẩu các sản phẩm từ thịt động vật cho tiêu dùng

Với các sản phẩm từ thịt động vật, Indonesia yêu cầu, trước khi xuất nhập khẩu cần có chứng nhận của cơ quan kiểm dịch sở tại (đối với nhập khẩu) và cơ quan kiểm dịch nước xuất khẩu sang (đối với xuất khẩu). Tiêu chuẩn Halal phải được cơ quan có thẩm quyền cấp và các điều kiện khác sẽ được áp dụng tùy theo quy định của nước nhập khẩu.

Các thủ tục cần thiết để nhập khẩu sản phẩm có nguồn gốc thực vật

Nhà nhập khẩu sản phẩm có nguồn gốc thực vật phải có thư giới thiệu của Bộ Nông nghiệp Indonesia và gửi Bộ Thương mại Indonesia để cấp giấy phép nhập khẩu. Việc nhập khẩu các mặt hàng nêu trên được đăng ký vào thời gian nhất định trước, trong hoặc sau mùa thu hoạch; riêng việc nhập khẩu mặt hàng ớt và hành cho tiêu dùng tại chỗ được quy định riêng, căn cứ theo giá tham khảo của Bộ Thương mại Indonesia.

Các sản phẩm quy định được phân thành 4 loại: (i) nhập khẩu sản phẩm tươi cho tiêu dùng; (ii) nhập khẩu sản phẩm tươi để làm nguyên liệu sản xuất; (iii) nhập khẩu thành phẩm cho tiêu dùng; (iv) nhập khẩu thành phẩm để làm nguyên liệu sản xuất.

Quản lý nhập khẩu các sản phẩm có nguồn gốc thực vật

Theo quy định mới của Bộ Nông nghiệp Indonesia, các sản phẩm có nguồn gốc thực vật chỉ được nhập khẩu qua 4 điểm:

  1. Cảng biển Soekarno-Hatta tại Makassar;
  2. Cảng Belawan ở Medan;
  3. Cảng Tanjung Perak ở Surabaya;
  4. Sân bay quốc tế Soekarno-Hatta ở Jakarta. Quy định này không áp dụng với các nước xuất khẩu đã có tiêu chuẩn được Bộ Nông nghiệp Indonesia thông qua hoặc các nước có chứng nhận không nhiễm côn trùng “fruit fly free”.

Trước đó, vào tháng 02/2016, Indonesia cũng đã ban hành quy định 04/Permentan/PP.340/2/2015 (MoA Regulation number 04 of 2015) về việc thắt chặt kiểm định chất lượng đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống có xuất xứ thực vật. Theo đó, có 103 mặt hàng nông sản muốn nhập vào nước này phải trải qua quy trình phân tích kiểm nghiệm tại các đơn vị uy tín được Cơ quan kiểm dịch Indonesia (IAQA) thừa nhận.

Các sản phẩm còn tồn đọng hóa chất nguy hiểm, như: dư lượng thuốc trừ sâu, kim loại nặng (cadmium và chì), độc tố nấm (Aflatoxin và orchratoxin A) và ô nhiễm sinh học (Salmonella và E. coli) sẽ lập tức bị từ chối nhập khẩu.

Nếu phát hiện sai phạm xảy ra quá ba lần, quốc gia này hoặc phòng thí nghiệm được công nhận có thể sẽ bị đình chỉ hoặc thu hồi việc công nhận. Mục đích của chương trình giám sát là để xác định sự tuân thủ của nước xuất khẩu với yêu cầu của Indonesia. Quốc gia và phòng thí nghiệm có thể thực hiện việc đăng ký để được công nhận lại, tuy nhiên sẽ không có sản phẩm xuất khẩu và giấy chứng nhận phân tích nào được Indonesia chấp nhận cho đến khi việc đăng ký công nhận lại hoàn thành.

Các Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản thực phẩm Việt Nam cần chủ động thực hiện, tránh những vướng mắc phát sinh và ảnh hưởng đến tiến độ xuất khẩu. Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm nay, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Indonesia sụt giảm gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt trị giá  1,27 tỷ USD.

Các mặt hàng chủ lực mà Việt Nam xuất khẩu sang Indonesia trong nửa đầu năm nay là: Điện thoại di động và linh kiện (253,2 triệu USD, chiếm 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này), sắt thép các loại (152,77 triệu USD, chiếm 12%), gạo (139,3 triệu USD, chiếm 11%), máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng (94,5 triệu USD, chiếm 7,4%), nguyên phụ liệu dệt may, giày, da (80,7 triệu USD, chiếm 6,4%).

Điểm đáng chú ý trong 6 tháng đầu năm nay là nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Indonesia tăng rất mạnh, đặc biệt là mặt hàng gạo tăng tới 2.717% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1339,3 triệu USD. Bên cạnh đó, một số nhóm hàng cũng đạt mức tăng trên 100% kim ngạch như: Xăng dầu (tăng 205%), cà phê (+120%), thức ăn gia súc và nguyên liệu (tăng 120%), chè (tăng 105%).

Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại số tháng 10/2016