– Theo các chuyên gia, nếu ăn phải thịt lợn siêu nạc chứa chất cấm sẽ vô cùng nguy hiểm thậm chí bị ung thư và dẫn tới tử vong.
Chứa chất Clenbuterol
Trước đó, thông tin trên báo Gia đình & Xã hội, nếu thịt lợn có chứa chất kích thích tăng trưởng là Clenbuterol, ăn vào sẽ bị ảnh hưởng sức khỏe. Clenbuterol được dùng trong y học có tác dụng làm giãn phế quản, giãn cơ trơn cuống phổi, điều khiển các chất dinh dưỡng hướng tới mô cơ, tăng quá trình sinh tổng hợp protein để tích lũy nạc và giảm mỡ trong cơ thể.
Tuy nhiên nếu chất Clenbuterol trộn vào thức ăn gia súc nhằm tạo ra vật nuôi siêu nạc, mau lớn. Clenbuterol có tác dụng đẩy nhanh quá trình đốt cháy mỡ, tăng cường phát triển cơ bắp nhưng dùng quá liều sẽ khiến cơ thể mang bệnh và có thể dẫn đến tử vong.
Khi lợn được cho ăn các chất trên thì sẽ siêu nạc, tiêu lượng mỡ, và nếu không bán nhanh thì heo sẽ chết trong vòng không tới nửa tháng. Do vậy, thường người ta chỉ cho dùng các chất trên khi lợn gần đến ngày xuất chuồng. Việc ăn phải thịt lợn chứa chất Clenbuterol về lâu dài có thể gây biến chứng ung thư, Clenbuterol gây tổn hại cho hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, thậm chí gây chết người.
Chất cấm mới Cysteamine
Cách đây vài tháng, thông tin trên báo VTV, vào tháng 9/ 2016 Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, thông qua điều tra đã phát hiện chất cấm mới trong chăn nuôi mang tên Cysteamine với mục đích kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi.
Cysteamine là một tiền hoócmon có tác dụng kích thích sinh trưởng và tạo nạc đối với vật nuôi. Chất này đã bị Liên minh châu Âu cấm sử dụng trong chăn nuôi nhưng không bị cấm tại Trung Quốc, Philippines và Thái Lan. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cấm nhập, kinh doanh và sử dụng hoạt chất Cysteamine trong chăn nuôi. Do đó, nếu người ăn phải thịt chứa chất này trong một thời gian dài dễ mắc các bệnh như ung thư vú, ung thư kết tràng và tuyến tiền liệt, suy yếu hệ thống miễn dịch.
Hiện Cysteamine là chất đã bị Liên minh châu Âu (EU) hoàn toàn cấm sử dụng làm phụ gia thức ăn chăn nuôi. Chất này cũng không có mặt trong danh mục của tổ chức CODEX. Nhiều tổ chức về thú y ở các nước trên thế giới cũng chỉ khuyến cáo chỉ dùng Cysteamine để xử lý cho những trường hợp vật nuôi riêng lẻ, cụ thể, không dùng trong chăn nuôi đại trà thương mại.
Tuy nhiên tại Trung Quốc, đây lại là chất đang được nước này cho phép sử dụng làm phụ gia thức ăn chăn nuôi. Điều này lí giải vì sao các sản phẩm Cysteamine nhập lậu vào Việt Nam hiện nay là từ Trung Quốc.
Theo vietq.vn