Tại hội nghị “5 nhà trong sản xuất, kinh doanh, phân phối đa dạng hóa lúa gạo đặc sản các vùng miền” – tổ chức sáng 9/12 tại Hà Nội, bà Bùi Thị Hạnh Hiếu – Tổng Giám đốc Công ty Bảo Minh khẳng định Việt Nam đã bước đầu có thương hiệu gạo, nhất là gạo đặc sản vùng miền.

Tuy nhiên vấn đề còn lại là tổ chức sản xuất sao cho đạt chất lượng cao và duy trì bền vững thì mới có thể chiếm lĩnh thị trường lớn.
 
Nâng giá trị gạo để dân “bám ruộng đồng”
 
Ngành lúa gạo từng là niềm tự hào khi đưa Việt Nam từ một nước thiếu đói vươn lên top đầu thế giới về xuất khẩu với sản lượng từ 7 – 8 triệu tấn mỗi năm, tới khoảng 150 quốc gia, trong đó thị trường chính là Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Nga… Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, sản xuất lúa gạo đang bộc lộ nhiều bất cập và dần đánh mất đi vị thế. Hạn chế lớn nhất là trong quá trình canh tác người nông dân không tuân thủ đúng việc chăm sóc, bón phân cũng như dùng hóa chất bảo vệ thực vật quá mức.
 
Bên cạnh đó là tỷ lệ thất thoát cao – 13,7%, so với Thái Lan là 6,1% và Ấn Độ là 6% – làm giảm hiệu quả chuỗi giá trị ngành lúa gạo của Việt Nam, theo đánh giá của ông Nguyễn Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT). Chất lượng gạo xuất khẩu còn thấp, phân phối lợi nhuận, chia sẻ rủi ro giữa nông dân và các đối tác kinh doanh khác còn một số bất cập. Cùng với đó công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ gạo chưa phát triển nên khả năng cạnh tranh trong thương mại không cao.
 
Những yếu kém trên đây khiến thu nhập người trồng lúa thấp, chủ yếu lấy công làm lãi, ngay tại vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long cũng chỉ đạt trên 30 triệu đồng/ha/năm, thấp hơn 2,7 lần so với Thái Lan, 1,5 lần so với Indonesia và Philippines. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến việc cam kết cung cấp sản phẩm chất lượng từ chính người sản xuất là nông dân còn yếu, có doanh nghiệp cho biết không ít lần sản lượng gạo do người nông dân cung cấp chỉ đạt 50% cam kết, dù đã giao dịch thông qua hợp tác xã.
 
Bà con tại Vĩnh Bảo, Hải Phòng thu hoạch vụ hè thu 2017. Ảnh: Loan Lê
Truy xuất nguồn gốc để cam kết chất lượng
 
Để cải thiện hiệu quả kinh tế và thu nhập từ trồng lúa gạo, không cách gì khác chất lượng sản phẩm phải được cải thiện, đồng thời đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc để duy trì tính cam kết và giữ gìn uy tín thương hiệu. Một trong những giải pháp cho mong muốn này lâu nay vẫn được quan tâm và kêu gọi thúc đẩy song chưa có nhiều kết quả thành công là mô hình liên kết doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nông. Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tiễn tại Công ty Bảo Minh đã cho thấy một mô hình được tiến hành khá bài bản, chặt chẽ và đáng tham khảo.
 
GS Vũ Hoan – Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội – Chủ tịch Hội đồng khoa học Công ty Bảo Minh cho biết, để hỗ trợ người nông dân sản xuất ra những hạt gạo có giá trị, hội đồng khoa học gồm các nhà khoa học uy tín như GS-TSKH Trần Duy Quý, TS Nguyễn Văn Biếu… cùng tham gia xây dựng, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật đối với những vùng liên kết để gạo đạt chất lượng ngon, antoàn, không tồn dư thuốc trừ sâu.
 
Cụ thể từng cá nhân trong hội đồng khoa học đều chuyên trách hỗ trợ bà con nông dân trong một công đoạn nhất định, từ làm đất, giống, diễn biến cây trồng và bảo quản sau thu hoạch.
 
“Họ có trách nhiệm tham chiếu với kết quả sản lượng khi các hợp tác xã đưa lên. Nếu thấy có nghi vấn công ty hoàn toàn có thể truy ngược trở lại hoặc kiểm tra bất thường” – bà Hiếu nói và cho biết hiện công ty đang nhân rộng mô hình liên kết với hàng loạt sản phẩm đặc sản truyền thống như như nếp nương, Chí Chủa, tám Điện Biên, nếp cẩm, nếp Tú Lệ, Séng Cù… để cung ứng cho thị trường.
 
‘Đưa ra tiêu chuẩn sẽ giúp gạo Việt vươn xa’
 
Theo bà Hiếu, hiện nhu cầu của thị trường trong nước là rất lớn, tuy nhiên người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến chất lượng sản phẩm, trong khi đó việc xây dựng thương hiệu gạo gặp khó khăn do công cụ đo lường về hạt gạo không có.
 
“Người tiêu dùng vẫn đang mua sản phẩm theo cách tin vào lời của người bán hàng. Vì vậy, việc đưa ra tiêu chuẩn cho gạo sẽ giúp cho sản phẩm gạo đặc sản cho Việt Nam vươn xa và có chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường cả trong nước và quốc tế” – bà Hiếu tin tưởng.
 
Được biết, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa ở vùng sản xuất lúa hàng hóa từ 30% tổng thu trở lên, đồng thời giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 8%. Đặc biệt, có 20 – 30% lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam, trong đó 25 – 30% lượng gạo xuất khẩu thuộc nhóm gạo thơm và đặc sản. Để nâng cao chất lượng, giá trị gạo Việt Nam, đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu, Bộ NN&PTNT đã giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản triển khai rà soát, xây dựng mới 3 tiêu chuẩn Việt Nam về gạo.
 
Dự kiến, hết quý I/2017, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản sẽ hoàn thiện dự thảo 3 tiêu chuẩn này để trình Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, công bố.
Minh Nguyệt