Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã công bố những quy định mới về nhãn hàng hóa thực phẩm và đồ uống vào thị trường Mỹ. Những quy định này sẽ được chính thức áp dụng từ ngày 26/7/2018.

Hình ảnh nhãn bao bì hiện nay (bên trái) và nhãn bao bì theo quy định mới (bên phải)

Quy định này nhằm làm cho người tiêu dùng có thể nhận biết được rõ hơn mối liên quan giữa thành phần dinh dưỡng và sức khỏe người tiêu dùng, trong đó có mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và các bệnh mãn tính như bệnh béo phì và bệnh tim mạch để hướng dẫn tiêu dùng những sản phẩm thực phẩm và đồ uống đóng gói được bán tại Hoa Kỳ.

Theo FDA, quy định mới về nhãn mác thành phần dinh dưỡng mới của FDA không nhằm mục đích hướng dẫn người tiêu dùng phải ăn, uống gì, mà mục đích làm cho người tiêu dùng có thể nhận biết được dễ dàng hơn về thành phần dinh dưỡng của hàng hóa, qua đó sẽ giúp cho người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn loại thực phẩm phù hợp, giúp họ hiểu hơn về chế độ dinh dưỡng của các loại thực phẩm tiêu thụ trong một ngày bởi các thông tin tốt hơn và đầy đủ hơn đã được cung cấp trên nhãn mác.

Những quy định mới này bao gồm những thay đổi được áp dụng trong phạm vi như sau:  

Về cơ bản, kiểu dáng thiết kế của nhãn bao bì mới không thay đổi so với thiết kế nhãn bao bì cũ, tuy nhiên nhãn bao bì theo quy định mới sẽ chú trọng làm nổi bật 2 yếu tố quan trọng giúp người tiêu dùng thuận tiện trong việc lựa chọn thực phẩm gồm lượng calo cho mỗi lần sử dụng sản phẩm và lượng dùng cho một lần sử dụng. Hai thông tin này được phóng to hơn và in đậm hơn trong nhãn bao bì mới, cùng với đó thông tin một sản phẩm có thể chia ra sử dụng bao nhiêu lần cũng được phóng to hơn so với thiết kế cũ.

Phải khai báo thêm Hàm lượng đường bổ sung: Theo quy định mới, hàm lượng đường bổ sung phải được liệt kê chi tiết bên dưới mục “Tổng hàm lượng đường”. Theo FDA, các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, rất khó để vừa đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày lại vừa duy trì giới hạn calo cho phép nếu người tiêu dùng tiêu thụ nhiều hơn 10% tổng số calo hàng ngày từ hàm lượng đường bổ sung.

Quy định mới cũng yêu cầu phải ghi rõ các chất dinh dưỡng trên nhãn bao bì sản phẩm. Theo đó nhãn bao bì mới sẽ phải ghi bổ sung mục vitamin D và kali cùng với các thành phần dinh dưỡng khác như sắt và canxi. Trong khi đó, mục ghi đối với vitamin C & vitamin A (là những thành phần bắt buộc phải ghi trên nhãn bao bì cũ) thì không cần thiết phải ghi, hoặc có thể vẫn được liệt kê nếu nhà sản xuất muốn.

Trên nhãn bao bì sản phẩm mới sẽ hủy bỏ mục “Hàm lượng calo từ chất béo” vì nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, chỉ số về loại chất béo quan trọng hơn chỉ số về hàm lượng chất béo.

Ngoài ra, cần phải chỉnh sửa lại hàm lượng được khuyến nghị hàng ngày cho những chất dinh dưỡng được liệt kê theo đúng hướng dẫn tại cuốn sách Hướng dẫn ăn kiêng cho người Mỹ năm 2015-2020.

Áp dụng tiêu chí đánh giá lượng dùng cho một lần sử dụng phải dựa trên lượng thực phẩm và đồ uống mà mọi người đang thực sự ăn, không phải những gì họ nên ăn, do vậy quy định mới yêu cầu phải cập nhật chính xác hơn định lượng cho mỗi lần sử dụng trên bao bì nhằm phản ánh đúng thực tế về lượng sản phẩm người tiêu dùng thường sử dụng hiện nay. Ví dụ, trên thực tế, lượng kem một người tiêu thụ trong một lần hiện nay đã thay đổi từ một nửa cốc sang thành 2/3 cốc, hay lượng sô đa tiêu thụ thực tế cũng đã thay đổi từ 8 ao-xơ sang thành 12 ao-xơ.

Đối với nhãn bao bì của thực phẩm và đồ uống được đóng gói vượt quá lượng cho một lần sử dụng nhưng lại chưa đủ lượng cho 2 lần sử dụng thì bắt buộc phải ghi nhãn sử dụng 1 lần vì người tiêu dùng có khuynh hướng tiêu thụ hết trong một lần duy nhất.

Theo FDA, thời hạn quy định các nhà sản xuất phải ghi nhãn bao bì sản phẩm theo quy định mới này chính thức được áp dụng tại Hoa Kỳ cho cả hàng thực phẩm và đồ uống được sản xuất trong nước lẫn hàng nhập khẩu là 26/7/2018. Tuy nhiên các nhà sản xuất có doanh thu hàng năm dưới 10 triệu đôla Mỹ sẽ được FDA cho thêm 1 năm, tức là đến 26/7/2019 mới phải thực hiện việc ghi nhãn theo quy định mới này.

(Nguồn: baocongthuong.com.vn)