Để đảm bảo tối đa vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, không ít các doanh nghiệp chủ động tìm giải pháp “bảo vệ” sản phẩm của mình trong quá trình sản xuất, chế biến nhằm hướng tới mục tiêu không để người tiêu dùng bất an trước nỗi lo thực phẩm bẩn, mất an toàn thường “hoành hành” vào dịp cuối năm.
Ngay ngáy nỗi lo thực phẩm không an toàn
Dù đã chạy xe vào bãi gửi ở chợ Trần Hữu Trang (Q.Phú Nhuận), nhưng chị Lê Thụy Hân quyết định quay đầu xe để đi qua Co.opmart Nguyễn Đình Chiểu. “Tôi tính ghé chợ mua ít rau và con gà vì nhà có việc. Nhưng nghĩ lại giờ này ghé siêu thị mua cho an toàn, dù gì cũng chiều rồi, chị Hân tình thật nói.
Nhận định của chị Hân không phải là không có cơ sở. Có đến các chợ vào buổi chiều tan tầm, để tìm được thực phẩm tươi ngon không phải là điều dễ dàng với các bà nội trợ.
Trừ trường hợp những người có thu nhập cao, với thành phần có nguồn thu nhập ít ỏi buộc phải chọn mua các thực phẩm không còn đảm bảo chất lượng ở các phiên chợ chiều, hầu hết những người được hỏi đều cho rằng đáng lo nhất vẫn là thực phẩm không còn đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh, lẫn độ an toàn sau một ngày dài bày bán.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, đề xuất với UBND TP phương án đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với các sản phẩm thịt gia cầm, gia súc sau giết mổ bán tại các chợ trên địa bàn thành phố, vẫn đang được sở xúc tiến thực hiện.
Ngay cả chương trình truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm, dù các đơn vị tham gia thị trường đảm bảo đủ nguồn thịt cung ứng từ 150.000-200.000 con/ngày, tức đảm bảo đủ nguồn cung “thịt sạch” cho các điểm bán lẫn hệ thống phân phối, nhưng khi phân bổ xuống các chợ nhỏ lẻ, thì vấn đề làm sao kiểm soát được đến tận cuối cùng chất lượng thịt, vẫn cần được cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ.
Trong khi đó, với các doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm, việc tăng cường kiểm tra dây chuyền sản xuất, nguồn gốc nguyên vật liệu sản phẩm đầu vào, dù đã được thực hiện thường xuyên, nhưng với số lượng sản xuất khá lớn vào dịp cuối năm, công tác kiểm soát cả chuỗi quy trình gần như được thắt chặt hơn.
“Doanh nghiệp càng có thương hiệu, quy mô càng lớn trên thị trường càng bị áp lực kiểm soát chất lượng đè nặng. Chỉ cần sơ sẩy, hoặc có tâm lý chủ quan đối với các quy trình chuẩn được thiết lập trong chuỗi sản xuất, doanh nghiệp sẽ phải trả giá rất đắt nếu có sự cố xảy ra”
Chủ tịch hội đồng quản trị một doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến thực phẩm tươi sống
Theo vị này, ở những thời điểm bình thường, việc kiểm soát cả chuỗi hệ thống máy móc vận hành sản xuất vốn đã “căng” như dây đàn “vì lúc nào nhà máy cũng phải chạy hết công suất mới kịp cung ứng sản phẩm ra thị trường”.
Nay rơi vào mùa vụ kinh doanh Tết, khối lượng sản xuất tăng lên thêm 20% so với bình thường, nhưng thời gian giao hàng vẫn không đổi, khiến tất cả nguồn lực ở mọi khâu đều phải “đua” theo mới kịp tiến độ đơn đặt hàng.
Do liên quan đến lĩnh vực thực phẩm nên mọi thành phần nguyên liệu sử dụng “chúng tôi đều phải khai báo chi tiết với cơ quan quản lý chuyên ngành.
Chỉ cần phạm một sai sót nhỏ, không chỉ hàng hóa bị ngưng lưu thông ra thị trường, mà nguy cơ mất uy tín thương hiệu, bị người tiêu dùng tẩy chay mới đáng sợ”, vị này bày tỏ quan điểm.
Nhà bán lẻ chủ động “phòng thủ”
Không chỉ có doanh nghiệp sản xuất uy tín tìm cách “quản” chặt chất lượng sản phẩm hàng hóa, không ít hệ thống bán lẻ cũng đặt vấn đề kiểm soát chất lượng hàng hóa lên hàng đầu để được người tiêu dùng “chọn mặt gửi vàng” khi quyết định mua sản phẩm.
Theo ông Đỗ Quốc Huy, giám đốc Marketing Saigon Co.op, ngoài công tác chuẩn bị nguồn hàng Tết, việc kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được Saigon Co.op hết sức chú ý.
Dù khối lượng hàng hóa lớn nhưng vào tháng cao điểm cận dịp Tết, tần suất kiểm nghiệm hàng hóa vẫn được Saigon Co.op tăng gấp năm lần so với tháng thông thường nhằm bảo đảm chất lượng và an toàn khi đến tay người tiêu dùng.
“Quy trình kiểm tra chất lượng cơ bản được chia thành 3 giai đoạn, gồm kiểm tra đầu vào, khảo sát nhà cung cấp và kiểm soát trong quá trình kinh doanh. Mỗi giai đoạn đều có quy định riêng phù hợp và chặt chẽ cho từng ngành hàng, từng mặt hàng”, ông Huy thông tin.
Chẳng hạn, với quy trình kiểm tra đầu vào, nhà cung cấp phải có giấy đăng ký kinh doanh, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, đăng ký nhãn hiệu, hồ sơ công bố xác nhận hợp quy hoặc hồ sơ xác nhận phù hợp quy định an toàn vệ sinh thực phẩm, kết quả kiểm nghiệm sản phẩm định kỳ. Mặt khác, trong quá trình kinh doanh, Co.opmart luôn bảo đảm duy trì công tác tự kiểm và phối kiểm cùng các cơ quan chức năng chuyên ngành liên quan.
Lập phòng thí nghiệm, tăng xe kiểm nghiệm lưu động
Để đáp ứng nhanh và linh hoạt nhu cầu tăng tần suất và số lượng, lấy mẫu để kiểm nghiệm, Saigon Co.op đã chủ động đầu tư một phòng thí nghiệm tại trung tâm phân phối của mình ở Bình Dương và xe kiểm nghiệm lưu động chuyên nghiệp nhằm kiểm tra chất lượng hàng hóa tận nguồn trước khi chuyển về kho tập trung để tái áp dụng quy trình kiểm soát chất lượng.
Kỹ thuật viên Phòng thí nghiệm Saigon Co.op lấy mẫu trực tiếp tại vùng sản xuất để kiểm nghiệm – Ảnh: HỒNG CHÂU
Phòng thí nghiệm và xe kiểm nghiệm lưu động này có thể đáp ứng số lượng mẫu kiểm nghiệm rất lớn vào dịp Tết, trung bình khoảng 2.000 mẫu/tháng cho khâu kiểm nghiệm hóa lý, từ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, cho đến kháng sinh và cả các chỉ tiêu về vi sinh.
Theo đại diện Saigon Co.op, số lượng mẫu nói trên chưa bao gồm số lượng mẫu kiểm nghiệm, kiểm định mà Saigon Co.op phối kiểm với các cơ quan chức năng theo quy định