Những viên snack trông như nóng hổi nhưng khi đưa vào miệng bạn sẽ thấy rõ cảm giác mát lạnh, có thể nhả khói ào ạt từ miệng mũi.

Giới trẻ Sài thành đang đua nhau chia sẻ món ăn mang tên snack khói mới lạ. Bỏ từng miếng snack vào miệng vừa nhai, vừa thở ra khói mang đến cảm giác thú vị. “Cảm giác nó cứ mát lạnh, rồi khói từ từ lan tỏa ra từ miệng, cứ thế mà hít hà. Snack có nhiều vị như mặn, ngọt, béo, bùi nên tha hồ mà lựa chọn và thưởng thức”, một bạn trẻ hồ hởi đưa ra lời nhận xét.

snack-khoi-mon-an-vat-lam-tu-nito-long-co-the-gay-nguy-hiem

Món snack khói nhiều màu sắc đang khiến nhiều teen cảm thấy thích thú khi thưởng thức. Ảnh: Bếp của Bâu

snack-khoi-mon-an-vat-lam-tu-nito-long-co-the-gay-nguy-hiem-1

Những viên snack được phủ khí nitơ lỏng thông qua hiện tượng đông kết nhanh. Ảnh chụp màn hình.

Snack khói thực chất được chế biến từ khí nitơ lỏng phủ bên ngoài những viên snack đủ màu sắc thông qua hiện tượng đông kết nhanh. Vì nitơ lỏng ở dạng khí, lại rất lạnh nên khi bỏ vào miệng đương nhiên sẽ thở ra khói. Món ăn này sau khi làm cần phải ăn ngay, nếu để sau vài phút sẽ bay hơi hoặc có hiện tượng tan chảy.

Ngay khi xuất hiện, snack khói trở thành món ăn vặt mới khuynh đảo giới trẻ. Nhiều người đua nhau “săn lùng” các địa chỉ bán nack khói ở quận 10, quận 8, quận 6 để ghé thưởng thức. Chỉ cần gõ hashtag #snackkhoi thì sẽ cho ra hàng loạt hình ảnh, clip bạn trẻ check in với món ăn này trên Facebook. Một số bạn còn chứng tỏ độ sành điệu khi thưởng thức snack khói bằng việc nhả khói thông qua đường mũi (giống như hút thuốc lá).

Trong khi nhiều teen ‘ghiền” món ăn mới lạ này, cũng có không ít bạn tỏ ra lo ngại về độ an toàn của snack khói. Một số cho rằng hít phải khí nitơ nhiều sẽ tổn hại cho sức khỏe. Bạn Lộc Hoàng đưa ra nhận định: “Nitơ ăn không chết nhưng sẽ làm tổn hại đến răng, làm giòn và cơ quan vị giác trên lưỡi bị ảnh hưởng. Chẳng ai đi ăn trực tiếp nitơ lỏng cả đâu…”.

Thầy Lê Minh Xuân Nhị – giáo viên dạy Hóa học tại TP HCM chia sẻ với iOne: “Nitơ lỏng có nhiệt độ rất thấp nên khi ra khỏi bình chứa nó sẽ bay hơi và tạo khói ngay. Khí này thường được ứng dụng trong việc bảo quản mẫu. Mặc dù nitơ không phải là khí độc nhưng có thể gây ra việc bỏng lạnh hoặc hoại tử da khi tiếp xúc nhiều, ở mức độ lớn bởi vì nó thật sự rất lạnh”.

GS Peter Barham, Khoa Vật lý trường ĐH Bristol từng chia sẻ với báo giới về sự an toàn khi sử dụng nitơ lỏng trong chế biến thực phẩm và đồ uống. Theo GS, nhiệt độ của nitơ lỏng là khoảng -196 độ C, nếu sử dụng không đúng cách có thể gây ra bỏng lạnh. Nitơ lỏng có thể được ứng dụng phổ biến trong việc chế biến thực phẩm nhưng nó không phải chất an toàn nên phải cẩn thận. Cần đảm bảo rằng hãy để nitơ lỏng bay hơi hết trước khi thưởng thức một món ăn hoặc đồ uống nào đó.

Theo Telegraph, một cô gái tên Gaby Scanlon, đến từ Heysham từng bị phản ứng phụ khá nặng sau khi uống loại cocktail tên Jagermeister được pha với nitơ lỏng có hiệu ứng tỏa khói trong dịp sinh nhật lần thứ 18. Cô gặp phải hiện tượng khó thở, đau bụng dữ dội và được đưa đến bệnh viện sau đó để cấp cứu với chẩn đoán bị thủng dạ dày.

Việc sử dụng nitơ lỏng để làm đồ ăn không phải là lần đầu tiên xuất hiện. Trên thế giới và ngay cả ở Sài Gòn cũng từng xuất hiện các món ăn dạng “tỏa khói” thế này như kem nitơ, bánh khói Jcat, bánh macaron khói đủ màu sắc…

Theo Wikipedia, Nitơ lỏng được sản xuất công nghiệp bằng cách chưng cất phân đoạn không khí lỏng. Nó là một chất lỏng trong suốt, không màu, trọng lượng riêng 0,807 g/ml ở điểm sôi của nó và một hằng số điện môi 1.4. Nitơ lỏng thường được gọi bằng LN2, viết tắt hoặc “LIN” hoặc “LN”.

Ở áp suất khí quyển, nitơ lỏng sôi ở nhiệt độ 77 K (-196 °C, -321 °F) và là một chất lỏng đông lạnh có thể gây đóng băng nhanh chóng khi tiếp xúc với mô sống, có thể dẫn đến bị tê cóng. Khi được cách nhiệt thích hợp với nhiệt độ xung quanh, nitơ lỏng có thể được lưu trữ và vận chuyển, ví dụ trong bình chân không.

Biên tập FOSI (sưu tầm)