Chiều 19/4, phát biểu tại cuộc giao ban của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám yêu cầu các đơn vị phải thực hiện quyết liệt nhiệm vụ này trong thời gian tới và quản lý theo chuỗi.

thuy-san
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng yêu cầu Thanh tra Bộ phải tập trung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, các vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay, như sản xuất phân bón, bơm chích tạp chất vào tôm…
Riêng đối với tình trạng dư lượng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi và thủy sản, thời gian qua kết quả triển khai chưa cao. Do đó, cần phải thực hiện quyết liệt hơn nữa như đã làm đối với chất cấm Sabultamol trong năm 2016.
Ngoài ra, thường xuyên tổ chức thanh kiểm tra đột xuất, nhất là đối với các sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, bởi vấn đề này đang khó kiểm soát.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ đạo Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản phải tái kiểm tra các cơ sở bị xếp loại C và xử lý. Đồng thời, tham mưu cho Bộ gửi văn bản tới UBND các tỉnh có cơ sở xếp loại C này đôn đốc việc xử lý.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo chuỗi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sản xuất nông sản an toàn; hình thành vùng nguyên liệu, hình thành các liên kết chuỗi giữa doanh nghiệp với cơ sở sản xuất nguyên liệu…
Theo ông Vũ Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ, thời gian tới cần tập trung thanh tra, kiểm tra công vụ trong việc kiểm soát quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đối với tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm, ông Việt cho rằng, cần phải quản lý được vật tư đối với tôm và đến năm 2018 phải chấm dứt tình trạng này. Để giải quyết được vấn đề này, cần phải có sự phối hợp đồng bộ của các Bộ, ngành khác và 63 tỉnh, thành phố cùng thực hiện, đồng thời không làm dàn trải và kiểm soát theo chuỗi…
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cho biết, đến nay các địa phương đã kiểm tra 1.691 cơ sở trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; trong đó có 1.651 cơ sở được xếp loại A, B (97,6%); 40 cơ sở xếp loại C (2,4%). Tuy nhiên, hầu hết các địa phương chưa tổ chức tái kiểm tra các cơ sở xếp loại C.
Bên cạnh đó, đã có 44 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng.

nguồn xttm.mard.gov.vn