Dịp Tết Nguyên Đán 2016 sẽ diễn ra vào đầu tháng 2/2016, đi cùng với đó là những mong đợi cho một mùa kinh doanh nhộn nhịp nhất vào mùa lễ hội lớn nhất tại Việt Nam. Đối với nhiều doanh nghiệp, mùa Tết là dịp đặc biệt quan trọng để ghi dấu nhãn hiệu của mình trong tâm trí khách hàng đồng thời cũng là dịp để tăng doanh thu cho ngành hàng. Nhiều ngành hàng tiêu dùng nhanh có khả năng đạt được mức doanh thu tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian này. Ví dụ, ngành hàng bánh quy có cơ hội tăng doanh số đến hơn 49% trong dịp này, một con số đầy sức thu hút đối với cả doanh nghiệp và người tiêu dùng (NTD)[1].
Trong dịp Tết, không khí lễ hội tràn ngập từ trong nhà ra đến ngoài phố, từ những trang hoàng nhà cửa, đường phố đến cả những âm thanh đặc trưng mùa lễ hội: pháo bông, trống, múa lân sư rồng và cả những điều chúc mà con trẻ dành cho các bậc cha mẹ. Chính không khí Tết này đã thúc đẩy NTD thay đổi hành vi mua sắm và tiêu dùng của mình khác hẳn so với thường nhật. Và quà tặng là một “nét tiêu dùng” đặc biệt nhất. Do đó, để đáp ứng nhu cầu đặc biệt này, “Bao Bì Cao Cấp” (Premium Packaging) đóng một vai trò then chốt và trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, theo như kết quả nghiên cứu về NTD trong giai đoạn Tết 2015 do Nielsen Việt Nam thực hiện.
Tết là một thời điểm đặc biệt để mọi người cùng chúc mừng nhau một mùa Xuân mới đầy niềm tin và hi vọng và cũng là thời điểm gia đình và bạn bè quay quần bên nhau. Theo nghiên cứu của Nielsen, các thương hiệu “mang lại cảm giác chia sẻ” trong các thông điệp quảng cáo thường sẽ có kết quả kinh doanh khả quan nhiều hơn vì đây chính là thông điệp tiếp cận NTD nhanh nhất và hiệu quả nhất trong giai đoạn Tết. Chính những hành vi mua sắm và chi tiêu này sẽ tạo ra nhu cầu định hướng cho nhiều ngành hàng khác nhau.
Các ngành hàng quan trọng và được tiêu dùng vượt trội mang lại doanh thu cao nhất trong mùa Tết đó là ngành hàng Bánh Kẹo, Nước Giải Khát, và Bia. Doanh số chỉ trong 3 tháng Tết đóng góp đến 28% tổng doanh số hằng năm của ngành hàng Nước Giải Khát. Doanh số của Bia trong tháng Tết cũng tăng 1,5 lần so với các khoảng thời gian còn lại trong năm. Hai ngành hàng nước uống này trong tháng Tết được tiêu thụ nhiều hơn bao giờ hết, đặc biệt các sản phẩm nước uống này thường được sử dụng trong các bữa ăn chính trong giai đoạn Tết. Bên cạnh đó, bánh quy cũng được sử dụng nhiều như những món quà mà NTD dành tặng nhau nhân dịp Tết. Điều đáng lưu ý là trong dịp Tết là có đến hơn 401 sản phẩm được tung ra thị trường[2]. Điều này đồng nghĩa với việc để được nổi bật trên kệ hàng và thu hút sự chú ý của NTD là bài toán khó đối với các nhà sản xuất.
Tuy nhiên, các ngành hàng nói trên không hoàn toàn chiếm lĩnh toàn bộ thị trường tiêu dùng nhanh trong giai đoạn Tết. Theo quan sát của Nielsen, các ngành hàng không phải là ngành hàng “chủ chốt” trong dịp Tết như Cà Phê, Dầu Ăn, Trà Túi Lọc hay thậm chí là cả Các sản phẩm Giặt Giũ cũng đã cải tiến, đổi mới và điều chỉnh thông điệp truyền thông của họ để phù hợp với không khí Tết. Thế nên, khi những ngành hàng này tham gia cuộc chơi, sự cạnh tranh vào dịp Tết mỗi năm lại càng trở nên khốc liệt hơn. Theo Nielsen, chúng ta có thể thấy sự tăng trưởng về khối lượng của ngành hàng Cà Phê trong dịp Tết là 17% so với dịp Tết năm trước[3]. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cũng đang đẩy hàng dự trữ và kiểm soát số lượng hàng tồn kho tại các nhà bán lẻ trước Tết hiệu quả hơn nhằm mục đích hàng Tết được lên kệ sớm và được bán đến tay NTD đúng thời điểm. Các hoạt động đẩy hàng này thật sự kích thích nhu cầu tiêu dùng, tạo nên một mùa Tết kinh doanh năng động và nhộn nhịp. Kết quả là NTD dần bắt nhịp với những sản phẩm mới này, sẽ có nhiều chọn lựa hơn khi chọn mua những sản phẩm làm quà tặng và có thể sẽ thay thế các sản phẩm thuộc các ngành hàng chủ đạo đã nêu ở trên.
Ở một khía cạnh khác, các nhà bán lẻ cũng đang tạo nên những xu hướng & có hành vi kinh doanh của riêng họ. Theo Báo cáo về Nhu cầu Nhà Bán Lẻ do Nielsen Việt Nam thực hiện, chỉ số niềm tin nhà bán lẻ (RCI – Retailer Confidence Index) đang có xu hướng tăng dần. Nếu như trong Quý 2 RCI đạt mức 72 điểm thì trong Quý 3, RCI đã tăng 4 điểm, đạt 76 điểm. Điều này cũng thể hiện sự khởi sắc của thị trường như dự đoán của chính phủ về sự tăng trưởng của nền kinh tế. Theo báo cáo này của Nielsen, 24% nhà bán lẻ cho biết họ sẵn sàng tăng dự trữ hàng Tết trong dịp Tết 2016 sắp tới so với cùng thời điểm năm ngoái, điều này phản ánh niềm tin của họ vào thị trường mùa Tết năm nay. Thêm vào đó, báo cáo của Nielsen cũng chỉ ra rằng trong số các nhà bán lẻ nói trên có đến 87% dự tính sẽ tăng dự trữ hàng hơn 10% trong dịp Tết. Các nhà sản xuất cũng cần phải nhận thức rõ một điều rằng: đi kèm những thông tin đầy triển vọng này là những kỳ vọng mới mà nhà bán lẻ đặt ra với các nhà sản xuất.
Các nhà bán lẻ không những mong đợi sự hỗ trợ từ các nhà sản xuất trong việc đẩy doanh số hàng Tết thông qua việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, phương thức thanh toán ưu đãi, hỗ trợ trưng bày hàng tại cửa tiệm, mà còn là các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để thu hút sức mua từ khách hàng. Có một điểm rất đáng lưu ý là các mong đợi này lại cũng khác biệt ở từng vùng khác nhau. Chẳng hạn, các giỏ quà Tết đóng góp một phần quan trọng vào việc tăng doanh số và NTD ở khu vực phía Bắc & Đông Nam Bộ ưa chuộng hình thức này hơn so với các khu vực khác. Do đó, các nhà bán lẻ ở khu vực này cũng mong đợi những gói sản phẩm có bao bì bắt mắt từ các nhà sản xuất có sản phẩm bán chạy trong dịp Tết. Chỉ đơn thuần một mẫu mã hàng hóa có thể sẽ không thích hợp với tất cả các vùng miền ở thị trường Việt Nam.
Tết đang đến rất gần, các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị những điều cần thiết cho dịp Tết ngay từ bây giờ. Đối với các nhà sản xuất, đây là thời điểm tốt để bắt đầu một năm đầy hứa hẹn và/hoặc cho ra mắt các sản phẩm mới. Do đó, hiểu biết rõ hành vi mua sắm của người tiêu dùng cũng như các mong đợi từ các nhà bán lẻ sẽ giúp các nhà sản xuất thành công trong mùa Tết sôi động. Hơn nữa, cạnh tranh trong cửa hàng, đặc biệt là diện tích kệ trưng bày, không chỉ còn là cuộc chiến giữa các nhà sản xuất cùng ngành hàng mà giờ là giữa các nhà sản xuất nhiều nhành hàng khác nhau. Các nhà sản xuất cần phải nắm rõ không chỉ là sự thay đổi trong ngành hàng họ kinh doanh mà còn phải hiểu rõ những đổi mới và tác động khác nhau giữa các ngành hàng. Nếu không, các nhà sản xuất sẽ gặp rất nhiều đe dọa ngay chính trên sân chơi của mình.