Để quảng bá hình ảnh của công ty, đem sản phẩm của mình phổ biến ở thị trường thì ngoài việc có chiến lược quảng cáo, PR chuyên nghiệp, chất lượng sản phẩm phải tốt…thì các doanh nghiệp hiện nay cũng chọn cho mình một hình thức đẩy nhanh doanh thu thông qua việc tặng kèm các sản phẩm khuyến mại theo các sản phẩm chính hãng hay gọi cách khác là tổ chức chương trình khuyến mại. Tuy nhiên để có thể tổ chức được một chương trình khuyến mại, đơn vị tổ chức phải tuân thủ nguyên tắc và các luật định do pháp luật đề ra. Điều này không phải doanh nghiệp nào cũng biết.
Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho Quý doanh nghiệp tìm hiểu về các quy định làm chương trình khuyến mại và dựa vào căn cứ của pháp luật hiện hành (Nghị định Số 37/2006/NĐ-CP), FOSI sẽ thông tin đến Quý doanh nghiệp những kiến thức bổ ích nhất xoay quanh vấn đề tổ chức chương trình khuyến mại hợp pháp tại Việt Nam.
Theo quy định tại điều 88 Luật Thương mại, khuyến mại là hoạt động của thương nhân thông qua việc dành cho khách hàng những lợi ích nhất định với những công cụ đa dạng như quà tặng, hàng mẫu, giảm giá… nhằm mục tiêu kích thích, lôi kéo hành vi quyết định mua hàng, sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp, đích cuối cùng là tăng thị phần của doanh nghiệp trong thị trường hàng hoá, dịch vụ.
Việc khuyến mại phải tuân thủ các nguyên tắc về khuyến mại theo quy định tại Nghị định Số 37/2006/NĐ-CP của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về một số hoạt động xúc tiến thương mại.
Nguyên tắc về khuyến mại
Thứ nhất về hạn mức tối đa về giá trị và mức giảm tối đa đối hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại cần căn cứ theo điều 5 Nghị định 37/2006/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
- Giá trị vật chất dùng để khuyến mại cho một đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá trị của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại đó trước thời gian khuyến mại.
- Tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại không được vượt quá 50% tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại.
- Mức giảm tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại. Tuy nhiên giá trị vật chất và tổng giá trị hàng hóa dùng để khuyến mại có thể có hạn mức khác căn cứ vào hình thức khuyến mại cụ thể mà thương nhân lựa chọn, các hình thức khuyến mại được quy định tại mục 2 Nghị định này (từ điều 7 đến điều 14) bởi vậy thương nhân có ý định khuyến mại nên lựa chọn hình thức khuyến mại phù hợp để có hạn mức khuyến mại tốt và hiệu quả nhất.
Thứ hai về việc đăng ký chương trình khuyến mại.
Căn cứ theo Điều 16 Nghị định 37/2006/NĐ-CP thì chậm nhất 7 ngày làm việc trước khi thực hiện mọi chương trình khuyến mại, doanh nghiệp phải đăng ký hoặc thông báo chương trình khuyến mại đến:
- Sở Công thương: đối với chương trình khuyến mại thực hiện trên một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Bộ Công thương: đối với chương trình khuyến mại thực hiện trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
Thứ ba về thời gian tiến hành khuyến mại.
- Hiện nay không phải mọi hình thức khuyến mại đều được quy định về thời gian tiến hành khuyến mại. Chỉ có hai hình thức là bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, cung ứng dịch vụ trước đó tại Điều 9 Nghị định 37/2006/NĐ-CP quy định tổng thời gian thực hiện không được vượt quá 90 ngày trong một năm; không được vượt quá 45 (bốn mươi lăm) ngày một lần.
- Hình thức bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự chương trình khuyến mại mang tính may rủi tại Điều 12 Nghị định 37/2006/NĐ-CP không được vượt quá 180 ngày trong một năm, 90 ngày trong một lần. Còn các hình thức khác không ràng buộc về thời gian.
Thứ tư là các hoạt động bị cấm trong khuyến mại theo quy định tại điều 100 Luật thương mại.
Trong đó cần lưu ý khuyến mại hoặc sử dụng rượu, bia để khuyến mại cho người dưới 18 tuổi hoặc sử dụng thuốc lá, rượu có độ cồn từ 30 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức, khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh…Quy định cụ thể về các hoạt động bị cấm tại điều 100 Luật thương mại với 10 trường hợp.
Thứ năm: Về việc xử lý giải thưởng không có người trúng thưởng
Thương nhân lựa chọn hình thức khuyến mại mang tính may rủi phải trích nộp 50% giá trị giải thưởng đã công bố không có người trúng thưởng của chương trình khuyến mại mang tính may rủi vào ngân sách nhà nước. Việc Chấm dứt thực hiện chương trình khuyến mại cũng phải được thực hiện công khai theo các quy định trong Luật thương mại và Nghị định 37/2006/NĐ-CP.
Trình tự, thủ tục đăng ký thực hiện các chương trình khuyến mại
- Các chương trình khuyến mại ngoài các hình thức quy định tại Mục 2 Chương này chỉ được thực hiện sau khi có văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương.
- Hồ sơ đăng ký thực hiện chương trình khuyến mại bao gồm các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định 37/2006/NĐ-CP.
- Trong thời hạn 7 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị thực hiện chương trình khuyến mại hợp lệ, Bộ Công Thương xem xét, xác nhận bằng văn bản việc đăng ký thực hiện chương trình khuyến mại của thương nhân; trong trường hợp không xác nhận, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
- Trước khi thực hiện chương trình khuyến mại, thương nhân thực hiện khuyến mại có trách nhiệm gửi văn bản thông báo cho Sở Công Thương nơi thực hiện khuyến mại kèm theo bản sao văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương.
- Trong vòng 45 (bốn mươi lăm) ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn trao giải thưởng của chương trình khuyến mại, thương nhân thực hiện khuyến mại phải có văn bản báo cáo Bộ Thương mại về kết quả chương trình khuyến mại.
Hồ sơ đăng ký thực hiện chương trình khuyến mại bao gồm
- Văn bản đề nghị thực hiện chương trình khuyến mại theo mẫu của Bộ Công Thương. Nội dung đăng ký thực hiện chương trình khuyến mại, bao gồm: tên chương trình khuyến mại; địa bàn khuyến mại; hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại; hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại; thời gian khuyến mại; khách hàng của chương trình khuyến mại;
- Thể lệ chương trình khuyến mại;
- Mẫu vé số dự thưởng đối với chương trình khuyến mại có phát hành vé số dự thưởng;
- Hình ảnh hàng hóa khuyến mại và hàng hóa dùng để khuyến mại;
- Mẫu bằng chứng trúng thưởng (nếu có);
- Bản sao giấy xác nhận về chất lượng của hàng hóa khuyến mại, hàng hóa dùng để khuyến mại theo quy định của pháp luật (nếu có).
Đăng ký khuyến mại trực tuyến
Thay vì phải tới Sở Công Thương TPHCM để nộp hồ sơ đăng ký chương trình khuyến mại, từ tháng 4-2016 doanh nghiệp có thể đăng ký trực tuyến tại website http://www.khuyenmaihcmc.vn.
Sau khi hoàn tất việc khai báo và nộp hồ sơ đăng ký khuyến mại trực tuyến, doanh nghiệp sẽ được Sở Công Thương tiếp nhận và xử lý. Nếu như hồ sơ đáp ứng điều kiện, quy định về chương trình khuyến mại sẽ được Sở Công Thương chấp thuận và chuyển vào mục hồ sơ đã được duyệt.
Theo lưu ý của Sở Công Thương, sau khi nộp hồ sơ trực tuyến, doanh nghiệp cần thường xuyên kiểm tra email để biết được quá trình xử lý, các yêu cầu bổ sung hồ sơ (nếu có) và biết được kết quả xử lý hồ sơ đăng ký khuyến mại. Các quy trình xử lý hồ sơ, trạng thái hồ sơ đều hiển thị trên website http://www.khuyenmaihcmc.vn.
Ban biên tập FOSI