Xu hướng rõ rệt ở các nước khác về tiêu dùng và sản xuất thực phẩm đồ uống bền vững mới chỉ nổi lên ở Việt Nam không lâu. Những vấn đề được cân nhắc nhiều ở Việt Nam liên quan tới tính bền vững chủ yếu xoay quanh vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Gần đây, đã có những dấu hiệu cho thấy nhận thức về các vấn đề bền vững và môi trường đang tăng lên.

Hành vi người tiêu dùng

Vấn đề an toàn thực phẩm và vấn đề đầu tiên và cốt lõi đối với người tiêu dùng. Trong những năm gần đây, các loại phẩm màu và phụ gia thực phẩm không được phép, dư lượng kháng sinh vượt quá mức an toàn, kim loại nặng và các loại hóa chất độc hại khác được tìm thấy nhiều trong các sản phẩm thực phẩm đồ uống tại Việt Nam, bao gồm cả rau, sản phẩm động vật, sốt cà chua, mì và bao gói thực phẩm. Do đó, vấn đề an toàn thực phẩm trở thành vấn đề trọng tâm không chỉ với người tiêu dùng mà cả người sản xuất, nhà bán lẻ và chính phủ. Việc này cũng dẫn tới những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng. Các vụ việc liên quan đến an toàn thực phẩm, cùng với việc nâng cao hiểu biết và thu nhập khả dụng tăng lên đã làm thay đổi các thói quen của người tiêu dùng Việt Nam.

Một ví dụ thay đổi là cách thức người tiêu dùng mua sản phẩm thực phẩm. Họ giảm dần mua tại các chợ truyền thống, đặc biệt là tầng lớp trung lưu ở các khu vực thành thị. Mặc dù các chợ truyền thống vẫn chiếm lĩnh thị trường bán lẻ thực phẩm của Việt Nam, nhưng việc các siêu thị có tiêu chuẩn cao hơn về an toàn vệ sinh thực phẩm và sự hoàn thiện của chuỗi cung cấp cũng góp phần khiến cho người tiêu dùng Việt Nam đến siêu thị nhiều hơn, mặc dù giá cả ở đây cao hơn. Tỷ lệ mua hàng tại các siêu thị và các trung tâm thương mại của Việt Nam đã tăng trung bình 5,2%/năm.

Tuy nhiên, ngay cả các siêu thị ở Việt Nam gần đây cũng bị phát hiện các vụ việc liên quan tới vấn đề an toàn thực phẩm, đặt ra câu hỏi về những khẳng định của họ về vấn đề này. Việc này cũng khiến cho người tiêu dùng Việt Nam e ngại, không biết nên mua thực phẩm ở đâu và mở ra cơ hội cho các nhà sản xuất và nhà cung cấp có danh tiếng về vấn đề bền vững và có chuỗi cung cấp đã được chứng nhận.

Một ví dụ khác về sự thay đổi hành vi tiêu dùng ở Việt Nam do tăng mối quan tâm về an toàn thực phẩm là sự ưa thích đối với thực phẩm nhập khẩu, đặc biệt là thực phẩm dành cho trẻ em và thực phẩm tốt cho sức khỏe. Các sản phẩm nhập khẩu được ưa chuộng vì giấy chứng nhận ở nước ngoài được người tiêu dùng coi là có mức độ tin cậy cao hơn về đảm bảo an toàn và chất lượng hơn so với hàng sản xuất trong nước.

Những thay đổi về hành vi tiêu dùng thể hiện mong muốn tìm kiếm chuỗi cung cấp có chứng nhận cũng như chất lượng sản phẩm được đảm bảo. Việc người tiêu dùng ưa chuộng các sản phẩm nhập khẩu, cùng với việc thiếu nguồn cung và người tiêu dùng thiếu tin tưởng vào các thương hiệu (có nhiều trường hợp sản phẩm bán trong siêu thị được dán nhãn nhập khẩu từ nước khác hoặc sản phẩm Việt Nam nhưng thực chất được nhập khẩu từ Trung Quốc) đã dẫn đến tình trạng nhập khẩu không chính thức từ nước ngoài hoặc xách tay. Đối với các trường hợp này, không ai có thể đảm bảo về chất lượng, tính bền vững và nguồn gốc của sản phẩm. Những người kinh doanh sản phẩm sữa công thức có thể mua các container sữa nhập khẩu đã sử dụng, dán nhãn xuất xứ từ một nước và cho vào container sữa bột có xuất xứ khác.

Nhận ra những thay đổi về hành vi tiêu dùng và tăng nhận thức của người tiêu dùng về tính bền vững và an toàn thực phẩm, các công ty bán lẻ lớn trong nước và chính phủ đã can thiệp để có sự đảm bảo với người tiêu dùng rằng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn theo yêu cầu.

Đặc biệt, chính phủ ngày càng quan tâm nhiều tới tính bền vững và đã đưa ra các chiến lược và kế hoạch sau nhằm đảm bảo tính bền vững cho sản phẩm:

VietGap: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã áp dụng hệ thống VietGap (thực tiễn nông nghiệp tốt của Việt Nam) vào tháng 1 năm 2008. Hệ thống này bao gồm các tiêu chuẩn thực tiễn nông sản tốt về an toàn thực phẩm, quản lý môi trường, sức khỏe người lao động, an toàn và phúc lợi, chất lượng sản phẩm và dán nhãn cho các sản phẩm phù hợp). Hiện tại đã có nhãn xanh VietGap đối với gà, lợn, rau và hoa quả an toàn.

Định hướng chiến lược phát triển bền vững: Năm 2009, Định hướng chiến lược phát triển bền vững đã được thông qua, xác định năm lĩnh vực ưu tiên phát triển bền vững, bao gồm sản xuất và tiêu dùng bền vững hướng tới giảm tác động đối với môi trường. Theo đó, Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 cũng được phát triển, dần thực hiện việc dán nhãn sinh thái, phát triển thị trường sản phẩm sinh thái và thực hiện các sáng kiến cộng đồng nhằm sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020: Tháng 9 năm 2012, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020 với tầm nhìn 2050 đã được thông qua. Chiến lược này nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng xanh nhằm đạt tới nền kinh tế có hàm lượng carbon thấp và làm giàu nguồn vốn quốc gia và khiến xu hướng này trở thành xu hướng chủ đạo của quá trình phát triển kinh tế bền vững. Chiến lược tập trung vào thúc đẩy nhãn sinh thái và các chương trình chứng nhận khác. Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020 thực thi chiến lược trên đã được thông qua trong năm nay. Kế hoạch tập trung bốn lĩnh vực: xây dựng thể chế và chương trình tăng trưởng xanh cấp địa phương, giảm hiệu ứng nhà kính và thúc đẩy năng lượng tái tạo và năng lượng sạch, sản xuất xanh, lối sống xanh và tiêu dùng bền vững.
vietrade.gov.vn