Năm 2016 là một năm thắng lợi của ngành cà phê Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê 11 tháng đầu năm đạt 1,63 triệu tấn, thu về 3,01 tỷ USD, tăng 37,4% về khối lượng và tăng 29,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Đây là niên vụ có khối lượng XK cao nhất trong 3 năm qua.

Dự kiến, đến hết năm 2016, XK cà phê đạt gần 3,5 tỷ USD, với khoảng 1,8 triệu tấn cà phê XK. Mục tiêu, đến năm 2020, tổng kim ngạch XK các sản phẩm cà phê đạt từ 3,8-4,2 tỷ USD/năm, đến năm 2030 đạt trên 4,5 tỷ USD/năm.

Cà phê Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Đức với 457,4 triệu USD trong 11 tháng đầu năm, chiếm 15,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước, đạt mức tăng trưởng 42,4% so với cùng kỳ năm ngoái; tiếp đến thị trường Hoa Kỳ đạt 394,2 triệu USD, chiếm 13%, tăng 49%; Italia đạt 224,3 triệu USD, tăng 22,5%; Tây Ban Nha 192,6 triệu USD, giảm 8,4%; Nhật Bản 183,5 triệu USD, tăng 16,8%.

Nhìn chung, kim ngạch xuất khẩu cà phê trong 11 tháng đầu năm nay sang hầu hết các thị trường đều đạt mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, xuất khẩu cà phê tăng mạnh ở một số thị trường như: Mexico (+220%); Ai Cập (+59%); Nam Phi (+59%); Philippines (+83,5%), Trung Quốc (+50%), Angieri (+67,7%), Hoa Kỳ (+49%).

Điều đáng chú ý là lượng xuất khẩu các sản phẩm cà phê chế biến (cà phê rang xay, hòa tan…) ngày càng nhiều. Cụ thể, trong năm nay, XK cà phê chế biến có thể đạt khoảng 350 triệu USD. Nhiều sản phẩm cà phê chế biến của Việt Nam được bạn hàng và thị trường thế giới ưa chuộng như G7 của Trung Nguyên đã đáp ứng được yêu cầu của nhà bán lẻ Walmart và đang được bán trong hệ thống Walmart tại Chile, Brazil, Mexico và Trung Quốc. Vinacafe XK trên 2.000 tấn cà phê hòa tan/năm đến 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại tự do với EU, Liên minh kinh tế Á – Âu, Hàn Quốc… cũng tạo cơ hội đẩy mạnh XK cà phê chế biến. Vì trước đây, các sản phẩm cà phê chế biến phải chịu mức thuế cao từ 15 – 20%, rất khó cạnh tranh được với các nước khác. Nhưng với những hiệp định thương mại tự do trên, cà phê chế biến của Việt Nam XK sang EU, Liên minh Kinh tế Á – Âu, Hàn Quốc… chỉ còn phải chịu thuế từ 0 – 5%, vì vậy XK vào các thị trường đã ký FTA sẽ trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn.

Mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có từ 25% sản lượng cà phê nhân trở lên được chế biến thành các sản phẩm cà phê phục vụ trực tiếp cho tiêu dùng. Trong đó, sản lượng cà phê rang xay là 50.000 tấn/năm, cà phê hòa tan đạt 255.000 tấn/năm.

Tại thị trường trong nước, giá cà phê cuối năm 2016 cũng tăng mạnh, đạt 45.000 đồng/kg tại các tỉnh Tây Nguyên, tăng gần 12.000 đồng/kg so năm 2015. Tuy nhiên, mưa kéo dài đã ảnh hưởng đến việc thu hoạch cà phê tại Tây Nguyên, gây lo ngại về nguồn cung cho xuất khẩu trong ngắn hạn, cũng như chất lượng cà phê bị ảnh hưởng.

Số liệu thống kê sơ bộ của TCHQ về xuất khẩu cà phê 11 tháng đầu năm 2016

ĐVT: USD

Thị trường 11T/2016 11T/2015 +/-(%) 11T/2016 so với cùng kỳ
Tổng kim ngạch 3.006.492.488 2.322.960.268 +29,43
Đức 457.382.848 321.094.868 +42,44
Hoa Kỳ 394.228.346 264.479.734 +49,06
Italia 224.304.025 183.045.038 +22,54
Tây Ban Nha 192.600.576 210.157.872 -8,35
Nhật Bản 183.525.981 157.170.518 +16,77
Bỉ 124.959.774 112.658.352 +10,92
Nga 107.872.895 92.875.276 +16,15
Philippines 103.921.250 56.632.242 +83,50
Algeria 103.337.008 61.627.546 +67,68
Trung Quốc 97.948.179 65.482.443 +49,58
Mexico 85.734.380 26.768.004 +220,29
Thái Lan 73.322.504 54.044.173 +35,67
Anh 72.332.487 58.358.089 +23,95
Ấn Độ 69.828.307 44.880.011 +55,59
Pháp 62.804.519 55.266.012 +13,64
Hàn Quốc 55.671.550 51.189.385 +8,76
Malaysia 52.173.738 36.273.209 +43,84
Indonesia 29.272.608 26.863.980 +8,97
Hà Lan 29.262.845 25.463.035 +14,92
Ba Lan 28.664.047 31.389.123 -8,68
Australia 27.919.085 24.648.021 +13,27
Bồ Đào Nha 20.566.429 20.954.778 -1,85
Ai Cập 19.417.060 12.235.649 +58,69
Israel 17.750.619 16.883.335 +5,14
Nam Phi 15.780.501 9.908.760 +59,26
Canada 12.362.788 10.773.823 +14,75
Hy Lạp 12.282.925 8.755.337 +40,29
Rumani 9.750.692 11.157.999 -12,61
Singapore 7.558.812 10.327.324 -26,81
Thụy Sĩ 6.849.341 4.434.499 +54,46
Đan Mạch 2.753.851 2.378.890 +15,76
Campuchia 1.427.382 1.234.561 +15,62
NewZealand 984.854 3.927.584 -74,92

Nguồn: Bộ Công Thương (VITIC)