Trong buổi giám sát về thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm trên địa bàn giai đoạn 2015-2016 do HĐND TP HCM tổ chức tại UBND TP, nhiều đại biểu cho rằng cần đẩy mạnh hỗ trợ phát triển thực phẩm sạch. Đại biểu Trương Lê Mỹ Ngọc, Phó Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP, cho rằng qua giám sát nhận thấy các sản phẩm thuộc chuỗi thực phẩm an toàn được kiểm soát tốt từ gốc nhưng người tiêu dùng vẫn chưa biết nhiều. Do vậy, cần đẩy mạnh truyền thông hỗ trợ, tạo điều kiện để những sản phẩm này có vị trí trưng bày tốt giúp người tiêu dùng dễ nhận biết khi mua sắm.
Từ đó, kêu gọi những doanh nghiệp tham gia chuỗi mở rộng thị phần, đẩy lùi thực phẩm không rõ nguồn gốc. Một số HTX tham gia chuỗi phản ánh sau lần cấp chứng nhận VietGAP đầu tiên miễn phí, lần tái chứng nhận mất phí là trở ngại để họ duy trì tiêu chuẩn này. Do đó, nên tiếp tục hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần để phát triển nguồn cung cấp thực phẩm an toàn.
Ông Cao Thanh Bình, Phó Ban Kinh tế – Ngân sách, dẫn chứng trường hợp HTX Phước An (huyện Bình Chánh), mỗi mẫu xét nghiệm tốn từ 1,8-2,4 triệu đồng nên HTX phải chi khoảng 240 triệu đồng/năm để giám sát sản xuất của nông dân. Đây là khoản chi khá tốn kém đối với HTX nên cần được hỗ trợ. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú (Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận Bình Thạnh) đề xuất những cơ chế hỗ trợ người kinh doanh thực phẩm sạch như giảm thuế, tạo điều kiện chọn vị trí thuận lợi, giữ xe miễn phí cho người tiêu dùng.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến nhìn nhận TP đã có chính sách phát triển thực phẩm sạch bằng việc hỗ trợ 100% lãi vay ngân hàng. Các hỗ trợ còn hướng đến giúp doanh nghiệp tạo ra sản phẩm theo chuẩn quốc tế để không chỉ cung cấp nội địa mà còn xuất khẩu. “TP HCM phấn đấu 100% thực phẩm cung cấp cho thị trường phải truy xuất được nguồn gốc.
Theo kế hoạch của chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo, dự kiến tháng 6-2017 sẽ có chế tài đối với sản phẩm không truy xuất được nguồn gốc. Tuy nhiên, do giá heo đang rất thấp, để hỗ nợ nông dân tiêu thụ, TP HCM sẽ giãn lộ trình thực hiện để tiếp tục tuyên truyền, vận động. Dự kiến, khoảng tháng 9-2017, toàn bộ thịt heo bán trên thị trường, kể cả chợ truyền thống, sẽ phải có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc” – ông Tuyến nhấn mạnh.
Ngọc Ánh