Ngày 10/7/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1035/QĐ-TTg lấy ngày 15-3 hàng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.

Công nhận Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3 hằng năm) nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, không phải người tiêu dùng nào cũng biết được mình có những quyền lợi gì.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2010 thì người tiêu dùng thực phẩm có các quyền sau đây:

  • Được cung cấp thông tin trung thực về an toàn thực phẩm, hướng dẫn sử dụng, vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, lựa chọn, sử dụng thực phẩm phù hợp; được cung cấp thông tin về nguy cơ gây mất an toàn, cách phòng ngừa khi nhận được thông tin cảnh báo đối với thực phẩm;
  • Yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật;
  • Yêu cầu tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
  • Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật;
  • Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật do sử dụng thực phẩm không an toàn gây ra.

Luật này được xem như là “lá chắn” để bảo vệ người tiêu dùng trước vấn nạn hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm không an toàn được bày bán tràn lan và công khai trên thị trường gây tổn thất lớn cho người tiêu dùng trong thời gian gần đây.

ton-trong-nguoi-tieu-dung-4-002746

Không ít người dân vẫn chưa hiểu hết về quyền và nghĩa vụ của mình.

Bên cạnh 5 quyền lợi được hưởng thì người tiêu dùng thực phẩm còn có 3 nghĩa vụ phải thực hiện.

  • Một là, tuân thủ đầy đủ các quy định, hướng dẫn về an toàn thực phẩm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong vận chuyển, lưu giữ, bảo quản và sử dụng thực phẩm;
  • Hai là, kịp thời cung cấp thông tin khi phát hiện nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, khai báo ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm với Ủy ban nhân dân nơi gần nhất, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
  • Ba là, tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình sử dụng thực phẩm.

Bảo vệ quyền của người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội, là nghĩa vụ và lợi ích của người kinh doanh, quyết định thành bại của doanh nghiệp. Tôn trọng người tiêu dùng cũng chính là tôn trọng chính mình. Chữ tín luôn luôn là yếu tố hàng đầu và là cơ sở cho sự phát triển lành mạnh, bền vững.

Theo chuyên gia tại FOSI