Nhãn phụ được hiểu là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc dịch từ nhãn gốc của hàng hoá bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật mà nhãn gốc của hàng hoá còn thiếu. Nhãn phụ của sản phẩm là một trong những vấn đề mà những người kinh doanh trong lĩnh vực nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài cần phải quan tâm.

Có bắt buộc phải có nhãn phụ hay không?

Căn cứ quy định của Điều 9 Nghị định số 89/2006/NĐ – CP về nhãn hàng hóa đưa ra nội dung như sau:

Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hoá. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

Kết quả hình ảnh cho nhãn phụ

Nếu nhãn chính không thể hiện được đầy đủ thông tin thì yêu bạn phải dán nhãn phụ theo đúng quy định của pháp luật.

Xử phạt vi phạm nhãn phụ hàng hóa nhập khẩu như thế nào?

Tổ chức, cá nhân sản xuất, mua bán sản phẩm, hàng hóa tại Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường trong nước nhưng không ghi nhãn theo quy định hoặc không có nhãn hoặc có nhãn nhưng bị che lấp, rách nát, mờ không đọc được toàn bộ hoặc một phần các nội dung trên nhãn hàng hóa hoặc có nhãn bị tẩy xóa, sửa chữa nhãn gốc hoặc nhãn phụ làm sai lệnh thông tin về hàng hóa sẽ bị xử lý vi phạm hành chính.

Căn cứ Điều 26 tại Nghị định số 80/2013/NĐ-CP mức xử phạt được áp dụng cụ thể như sau:
– Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 15.000.000 đồng tùy theo giá trị hàng hóa đối với một trong các hành vi sau đây :

  1. Hàng hóa có nhãn (kể cả tem hoặc nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa;
  2. Hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

– Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 25.000.000 đồng tùy theo giá trị hàng hóa đối với các hành vi kinh doanh hàng hóa trên nhãn có hình ảnh, hình vẽ, chữ viết, dấu hiệu, biểu tượng, huy chương, giải thưởng và các thông tin khác không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó; kinh doanh hàng hóa có nhãn, kể cả nhãn gốc hoặc nhãn phụ đối với hàng hóa nhập khẩu bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch thông tin về hàng hóa.

– Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng tùy theo giá trị hàng hóa đối với các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập khẩu theo quy định phải có nhãn hàng hóa mà không có nhãn hàng hóa; không có nhãn gốc hoặc có nhãn gốc nhưng bị thay đổi.

– Phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền quy định đối với một trong các hành vi sau đây:

  1. Kinh doanh hàng hóa gắn nhãn hàng hóa giả;
  2. Gian lận về thời hạn sử dụng của hàng hóa trên nhãn hàng hóa;
  3. Vi phạm về nhãn hàng hóa đối với hàng lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thức ăn chăn nuôi, đồ chơi trẻ em.

Ngoài ra còn có các hình thức phạt bổ sung và yêu cầu khắc phục các vi phạm về nhãn hàng hóa theo quy định của Nghị định này.

Tham khảo: Nghị định số 80/2013/NĐ-CP

Ban biên tập FOSI