Hướng dẫn việc kiểm tra, giám sát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thực phẩm trong quá trình sản xuất thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương.

giám sát chất lượng VSAT thực phẩm

 Biểu mẫu giám sát chất lượng VSAT thực phẩm

Căn cứ Luật Chất lượng Sản phẩm, hàng hoá và Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá;

Căn cứ Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm và Nghị định số 163/2004/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm;

Căn cứ Nghị định số 79/2008/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2008 của chính phủ quy định hệ thống tổ chức quản lý, thanh tra và kiểm nghiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm;

Căn cứ Nghị định số 189/2008/NĐ-CP ngày 12 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Bộ Công Thương hướng dẫn việc kiểm tra, giám sát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thực phẩm trong quá trình sản xuất thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương trước khi đưa ra thị trường như sau:

Chương I

 QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định việc kiểm tra, giám sát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đối với cơ sở sản xuất sản phẩm thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường bao gồm:

 a) Cơ sở sản xuất Bia- Rượu- Nước giải khát;

b) Cơ sở  sản xuất sữa và các sản phẩm từ sữa;

c) Cơ sở sản xuất dầu thực vật;

d) Cơ sở sản xuất sản phẩm bột và tinh bột.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1.Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm thực phẩm (sau đây viết tắt là cơ sở) có đăng ký kinh doanh tại Việt Nam trước khi đưa sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thị trường  được quy định tại Điều 1 của Thông tư này.

2. Thông tư này không bắt buộc áp dụng đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm không nhằm mục đích đưa sản phẩm ra tiêu thụ trên thị trường.

3. Các cơ quan kiểm tra, giám sát và cơ sở sản xuất thực phẩm được quy định tại Điều 1 của Thông tư này.

 Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, một số từ ngữ được hiểu như sau:

1. Chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP): Là mức độ, điều kiện, biện pháp nhằm đảm bảo tại thời điểm được kiểm tra sản phẩm an toàn cho người sử dụng theo đúng quy định pháp luật và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cơ sở, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, tiêu chuẩn, quy chuẩn về VSATTP và các văn bản quy định VSATTP  mà cơ sở sản xuất chịu trách nhiệm về chất lượng, VSATTP đã cam kết.

2. Cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm: Là nơi diễn ra một hoặc nhiều hoạt động xử lý làm thay đổi căn bản kết cấu tự nhiên của nguyên liệu, bao gói, bảo quản để đưa ra thị trường tiêu thụ.

3. Kiểm tra về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm: Kiểm tra chất lượng, VSATTP là hoạt động kiểm tra của cơ quan nhà nước có đủ năng lực kỹ thuật để kiểm tra, kiểm nghiệm, xác nhận lô sản phẩm đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm do Cơ quan quản lý chuyên ngành quy định.

4. Kiêm tra: Là việc đánh giá mức độ đáp ứng của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thực phẩm phù hợp với các tiêu chuẩn,quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở, quy định kỹ thuật về chất lượng, VSATTP theo quy định hiện hành. Khi cần thiết có thể lấy mẫu phẩm kiểm tra chất lượng, VSATTP đối với sản phẩm để  phân tích kiểm chứng về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

5. Giám sát: Là việc đánh giá mức độ chất lượng,VSATTP của sản phẩm theo quy định trong các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở, quy định về chất lượng, VSATTP thông qua việc lấy mẫu sản phẩm để phân tích kiểm chứng. Nhằm mục đích thực phẩm trước khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường đảm bảo chất lượng, VSATTP theo quy định.

 6. Đưa ra thị trường: Là việc đưa sản phẩm thực phẩm đảm bảo chất lượng, VSATTP từ các cơ sở sản xuất đưa ra tiêu thụ trên thị trường trong nước hoặc xuất khẩu.

Điều 4. Điều kiện để sản phẩm thực phẩm đưa ra thị trường

1. Sản phẩm thực phẩm trước khi đưa ra thị trường phải thực hiện đầy đủ các quy định về quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, tiêu chuẩn cơ sở. Quy định kỹ thuật về VSATTP theo các quy định của cơ quan quản lý chuyên ngành.

2. Sản phẩm thự phẩm được sản xuất từ cơ sở sản xuất thực phẩm đã được công nhận đủ điều kiện đảm bảo VSATTP theo quy định của cơ quan quản lý chuyên ngành.

Điều 5. Yêu cầu đối với cơ sở sản xuất thực phẩm

Để sản phẩm đảm bảo chất lượng, VSATTP trong sản xuất theo quy định của pháp luật, cơ sở sản xuất thực phẩm phải đáp ứng được các yêu cầu sau:

1. Có Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm, hồ sơ công bố tiêu chuẩn sản phẩm.Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

2. Đảm bảo các điều kiện vệ sinh chung đối với cơ sở sản xuất thực phẩm theo quy định của Bộ quản lý chuyên ngành.

            3. Có giấy chứng nhận tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với người trực tiếp chế biến thực phẩm và giấy chứng nhận sức khỏe đối với người lao động theo quy định

Điều 6. Các tiêu chí để kiểm tra, giám sát

Các chỉ tiêu cảm quan, chỉ tiêu chất lượng chủ yếu, tiêu chuẩn chỉ điểm chất lượng, giá trị dinh dưỡng, tiêu chuẩn vệ sinh về hoá, lý, vi sinh vật; thành phần nguyên liệu và phụ gia thực phẩm; thời hạn sử dụng; hướng dẫn sử dụng và bảo quản; quy cách bao gói và chất liệu bao bì; nội dung ghi nhãn thực phẩm.

Điều 7. Kinh phí thực hiện

Kinh phí thực hiện kiểm tra, giám sát đảm bảo chất lượng, VSATTP các cơ sở sản xuất thực phẩm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ được đưa vào nguồn kinh phí chi thường xuyên do ngân sách Nhà nước cấp theo quy định hiện hành. Các cơ quan theo phân công có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, dự trù kinh phí thực hiện hàng năm, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Chương II

HOẠT ĐỘNG KIỂM TRA, GIÁM SÁT TRONG SẢN XUẤT

Điều 8. Căn cứ để kiểm tra

1. Các quy định về điều kiện đảm bảo VSATTP là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, các văn bản quy phạm pháp luật về đảm bảo VSATTP của các cơ quan quản lý chuyên ngành ban hành tương ứng đối với từng loại hình cơ sở.

2. Các quy định về công bố tiêu chuẩn áp dụng, tiêu chuẩn cơ sở, công bố sự phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia hoặc với quy chuẩn tương ứng của sản phẩm.

3. Quy định về ghi nhãn hàng hóa theo và các văn bản quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa thực phẩm.

4. Đối với cơ sở sản xuất có giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng phù hợp theo tiêu chuẩn ISO 9001 do tổ chức chứng nhận độc lập cấp.

5. Đối với cơ sở sản xuất có giấy chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm HACCP, ISO 22000 do tổ chức chứng nhận độc lập cấp

Điều 9. Nội dung kiểm tra

1. Kiểm tra việc thực hiện các quy định trong quy chuẩn kỹ thuật tương ứng và quy định trong công bố tiêu chuẩn sản phẩm của cơ sở.

2. Kiểm tra việc thực hiện các quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật VSATTP và các văn bản quy định về VSATTP của các cơ quan quản lý chuyên ngành.

3. Kiểm tra kết quả kiểm nghiệm mẫu phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng đã được thực hiện tại cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm do bộ quản lý ngành quy định.

4. Kiểm tra việc thực hiện nội dung ghi nhãn theo quy định về nhãn hàng hóa và các văn bản pháp luật hướng dẫn ghi nhãn thực phẩm.

5. Lấy mẫu để kiểm nghiệm, kiểm chứng đối với sản phẩm không đảm bảo về chất lượng, VSATTP. Chi phí kiểm nghiệm do doanh nghiệp vi phạm chi trả.

6. Kiểm tra việc tuân thủ các điều kiện đảm bảo chất lượng, VSATTP trong quy trình sản xuất sản phẩm và chỉ tiêu định mức kỹ thuật của sản phẩm.

7. Kiểm tra hồ sơ lưu giữ nguồn gốc nguyên liệu, sản phẩm

8. Kiểm tra việc thực hiện quản lý chất lượng, VSATTP đối với cơ sở áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 và HACCP, ISO 22000.

Điều 10. Căn cứ giám sát

1. Hình thức giám sát

Giám sát định kỳ: Được thực hiện với tần suất 1 đợt/năm đối với cơ sở sản xuất sản phẩm thực phẩm thông thường và 2 đợt/năm đối với cơ sở sản xuất sản phẩm có nguy cơ cao.

Giám sát đột xuất: Được thực hiện khi sản phẩm có dấu hiệu vi phạm về chất lượng, VSATTP.

2. Căn cứ giám sát

Việc giám sát được thực hiện đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm theo căn cứ:

a) Kết quả kiểm tra, giám sát sản phẩm của năm trước cơ sở sản xuất không đảm bảo về chất lượng, VSATTP;

b) Những thông tin phản ánh của người tiêu dùng;

c) Trên các phương tiện thông tin đại chúng;

d) Theo yêu cầu quản lý Nhà nước về chất lượng, VSATTP của Bộ Công Thương

Điều 11. Nội dung giám sát

1. Cơ quan giám sát lấy mẫu, lập biên bản lấy mẫu, bảo quản mẫu và gửi đến những cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định để đánh giá mức độ chất lượng, VSATTP của sản phẩm theo quy định trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, tiêu chuẩn cơ sở

2. Mẫu giám sát được lấy theo nguyên tắc ngẫu nhiên, mẫu sau khi lấy phải được niêm phong có chữ ký của người lấy mẫu, đại điện cơ sở lấy mẫu (trường hợp đại diện cơ sở không ký, niêm phong có chữ ký của người lấy mẫu vẫn có giá trị).

3. Sau khi có kết quả phân tích cơ quan giám sát phải thông báo kết quả cho cơ sở sản xuất thực phẩm

4. Thực hiện việc giám sát theo quy định tại Điều 10 của Thông tư này

Điều 12 . Xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát

  1. Kế hoạch kiểm tra, giám sát định kỳ:

a) Xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát định kỳ

Hàng năm căn cứ vào tình hình thực tế, yêu cầu kiểm tra chất lượng, VSATTP đối với từng cơ sở, cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát về chất lượng, VSATTP và dự trù kinh phí thực hiện kế hoạch.

Kế hoạch kiểm tra, giám sát phải xác định cụ thể sản phẩm và nội dung, kiểm tra giám sát

b) Thời gian xây dựng và phê duyệt kế hoạch kiểm tra, giám sát thực hiện trước ngày 30 tháng 11 hàng năm. Cơ quan kiểm tra phải thông báo kế hoạch kiểm tra cho cơ sở sản xuất thực phẩm trước 15 ngày.

 c) Giám sát định kỳ: Được thực hiện với tần suất 1 đợt/năm đối với cơ sở sản xuất sản phẩm thực phẩm thông thường và 2 đợt/năm đối với cơ sở sản xuất sản phẩm có khả năng gây mất an toàn.

 2. Kiểm tra, giám sát chất lượng VSAT thực phẩm đột xuất

a)  Khi có sản phẩm vi phạm các quy định về chất lượng, VSATTP

b) Khi có cảnh báo của các tổ chức trên thế giới, khu vực về chất lượng, VSATTP của một loại sản phẩm thực phẩm

c) Khi xảy ra một hoặc một vài trường hợp quy định tại Điều 10 của Thông tư này.

                                                         Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN KIỂM TRA, CƠ SỞ

SẢN XUẤT THỰC PHẨM

Điều 13. Phân công nhiệm vụ đối với Cơ quan kiểm tra

1. Vụ Công nghiệp nhẹ chủ trì phối hợp với Vụ Khoa học và công nghệ, các Vụ chức năng khác thuộc Bộ Công Thương chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất thực phẩm trực thuộc Trung ương và các cơ sở kèm theo Phụ lục tại Thông tư này.

2. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất thực phẩm trực thuộc địa phương quản lý và những doanh nghiệp có quy mô không nằm trong danh mục tại phụ lục của Thông tư này và những cơ sở sản xuất thực phẩm như đã nêu trong khoản 1 mà Bộ Công Thương không có kế hoạch kiểm tra hàng năm..

Điều 14. Trách nhiệm của cơ quan kiểm tra

1. Xác định chủng loại sản phẩm cụ thể của cơ sở sản xuất để tiến hành kiểm tra chất lượng, VSATTP;

2. Vụ Công nghiệp nhẹ xây dựng và trình phê duyệt kế hoạch kiểm tra, giám sát chất lượng, VSATTP thuộc phạm vi quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương; Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và trình phê duyệt kế hoạch kiểm tra, giám sát chất lượng, VSATTP các cơ sở sản xuất thực phẩm không nằm trong danh mục tại phụ lục của Thông tư này.

3. Thực hiện đầy đủ nội dung được phân công về quy định kiểm tra, giám sát tại Thông tư này

4. Thông báo cho cơ sở sản xuất kết quả kiểm tra; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật, công bố danh sách các cở sở sản xuất vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng trong trường hợp không thực hiện các yêu cầu kết quả kiểm tra trong thông báo

5. Trình tự, thủ tục kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng, VSATTP cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm thực phẩm do các đơn vị chuyên ngành được giao chủ trì xây dựng phải đảm bảo:

a) Dựa trên đánh giá rủi ro đối với từng loại hình cơ sở sản xuất sản phẩm thực phẩm;

b) Rõ ràng, minh bạch; đảm bảo đúng đối tượng, hiệu quả nhưng không gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của cơ sở được kiểm tra;

c) Kiểm tra viên phải trung thực, khách quan, không có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp về lợi ích kinh tế với cơ sở được kiểm tra;

Điều 15. Trách nhiệm của cơ sở sản xuất thực phẩm

1. Xuất trình tài liệu liên quan đến sản phẩm cần kiểm tra theo quy định tại Điều 8 của Thông tư này.

2. Chấp hành hoạt động kiểm tra đảm bảo chất luợng, VSATTP của Cơ quan kiểm tra và xử lý vi phạm của cơ quan có thẩm quyền.

3. Báo cáo cơ quan trực tiếp quản lý khi sản phẩm sản xuất không đảm bảo chất lượng, VSATTP về nội dụng,  kế hoạch khắc phục sản phẩm vi phạm chất lượng, VSATTP.

4. Duy trì điều kiện đảm bảo chất lượng, VSATTP theo quy định. Khắc phục sửa chữa các lỗi đã nêu trong Biên bản kiểm tra và báo cáo Cơ quan kiểm tra.

Điều 16. Xử lý vi phạm

1. Trong quá trình kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất không tuân thủ theo quy trình các quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chất lượng, VSATTP, tiêu chuẩn cơ sở và các văn bản quy định về VSATTP của cơ quan quản lý chuyên ngàn, Đoàn kiểm tra sẽ lập biên bản và thông báo kết quả kiểm tra và vi phạm đến cơ sở sản xuất.

2. Trường hợp không chấp hành các yêu cầu trong thông báo của Đoàn kiểm tra và tái phạm nhiều lần (từ 2 lần trở lên) Đoàn kiểm tra sẽ kiến nghị cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật và thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

3. Sản phẩm không đạt yêu cầu về chất lượng, VSATTP theo quy định, Đoàn kiểm tra lập biên bản yêu cầu cơ sở sản xuất khắc phục sản phẩm để đảm bảo chất lượng trước khi đưa ra thị trường; yêu cầu cơ sở sản xuất phải thu hồi những sản phẩm không đảm bảo chất lượng, VSATTP đã đưa ra lưu thông trên thị trường.

         4. Trường hợp có đầy đủ bằng chứng cho thấy sản phẩm sản xuất ra không đảm bảo chất lượng, VSATTP nhưng cơ sở sản xuất không thực hiện các yêu cầu trong thông báo của Đoàn kiểm tra hoặc tái phạm nhiều lần, Đoàn kiểm tra sẽ kiến nghị cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật và thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

Điều 18. Sửa đổi, bổ sung

Trong quá trình thực hiện, Vụ Công nghiệp nhẹ, Sở Công Thương các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tập hợp các ý kiến đề xuất của mọi tổ chức, cá nhân về những vướng mắc trong việc thực hiện Thông tư, trình Bộ Công Thương xem xét để sửa đổi bổ sung cho phù hợp.

Mọi thắc mắc của doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến thực phẩm nói chung và về giám sát chất lượng VSAT thực phẩm nói riêng quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi ngay .

Đến với FOSI quý khách hàng sẽ được đội ngũ nhân viên dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm tư vẫn hoàn toàn miễn phí về dịch vụ xét nghiệm, công bố sản phẩm đủ tiêu chuẩn  của bộ y tế đề ra.