Khi mua thực phẩm, người tiêu dùng thường chỉ chú ý tới nhãn hiệu mà ít đọc thông tin trên bao bì. Tuy nhiên, với tình trạng cảnh báo về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm như hiện nay, bạn đừng bỏ qua những chi tiết này.

Những điều cần quan tâm khi đọc nhãn mác thực phẩm:

  • Nhà sản xuất hoặc nơi đóng gói: Nhà sản xuất là nơi bảo đảm và chịu trách nhiệm về chất lượng và vệ sinh an toàn sản phẩm. Sản phẩm của nhà sản xuất nghiêm túc bao giờ cũng có tên và địa chỉ, số điện thoại rõ ràng để NTD có thể liên lạc.
  • Hạn sử dụng: Theo quy định, tất cả các loại thực phẩm đều phải ghi hạn sử dụng trên nhãn bao bì, nếu không ghi hoặc ghi không rõ thì chứng tỏ độ tin cậy của sản phẩm kém.
  • Giá trị dinh dưỡng: Được thể hiện bằng giá trị các chất dinh dưỡng đa lượng (như đạm, chất béo, bột đường, năng lượng…), các chất vi lượng (như vitamin, khoáng chất, các yếu tố vi lượng, acid amin…). Giá trị dinh dưỡng thường được tính trên một đơn vị khối lượng hay thể tích sản phẩm (thường là trên 100 g, 1 lít hoặc 100 ml sản phẩm), hoặc một khẩu phần ăn có trong hướng dẫn (1 serving), qua đó NTD sẽ biết mình có cần sản phẩm này không và nếu dùng được thì ăn bao nhiêu trong ngày. Trên cùng một sản phẩm có thể vừa ghi bằng tiếng Anh vừa ghi bằng tiếng Việt.
  • Hướng dẫn sử dụng và bảo quản: Là những thông tin rất cần để NTD có thể sử dụng, bảo quản sản phẩm một cách hữu hiệu và tốt nhất. Thí dụ cách chế biến, bảo quản trong tủ lạnh hoặc nơi khô mát..
  • Phần ghi chú: Nếu bằng tiếng Anh thì NTD cần lưu ý mục Serving size, còn được gọi là “suất ăn” hay “phần ăn”. Một sản phẩm đóng gói có thể có 1 hoặc nhiều serving nên cần chú ý có bao nhiêu suất ăn trong 1 sản phẩm (1/2 serving, 1 serving hay nhiều hơn). Số serving tiêu thụ sẽ quyết định năng lượng thực tế ăn vào. Nếu ăn nhiều serving kéo dài không cần thiết thì sẽ dư cân, béo phì, xuất hiện bệnh lý tim mạch…

Cách đọc thành phần dinh dưỡng trên nhãn mác 

Các thành phần dinh dưỡng ghi trên bao bì thực phẩm thường là tỷ lệ chất đạm, đường, chất béo, vitamin và khoáng chất. Thông thường, các thành phần này được sắp xếp theo thứ tự từ chất có trọng lượng cao đến chất có trọng lượng thấp.

ví dụ: Chẳng hạn, một hộp nước sốt cà chua với cà chua là nguyên liệu chính sẽ được liệt kê đầu tiên. Gia vị hoặc thảo mộc được liệt kê cuối cùng vì có trọng lượng thấp nhất.

Người tiêu dùng cũng cần để ý các tên gọi khác nhau của một thành phần: chẳng hạn trên nhãn không ghi có đường (sugar) nhưng lại có ghi mật, hoặc không chất đạm mà là protein… hay không gọi bột ngọt mà là natri glutamat hay monosodium glutamate…

Trên một số sản phẩm còn có thể ghi rõ chất béo trong thành phần là loại có bão hòa hay không, có chứa cholesterone hay không. dựa vào đó bạn có thể chọn cho mình loại phù hợp, nhất là người tiểu đường, mỡ máu, huyết áp.

Một số thực phẩm, bên cạnh các thành phần chính, nhà sản xuất có thể bổ sung vi chất như canxi, vitamin B3…

Lượng calo trên một khẩu phần ăn: Một khẩu phần ăn hay còn gọi là khối lượng ăn trong một lần (Serving) thường được chuẩn hóa, thường là trên 100 g hay 100 ml. Lượng calo là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến trọng lượng. Vì vậy, điều đầu tiên bạn cần biết trên nhãn hiệu thực phẩm là lượng calo trên một khẩu phần

cach-ghi-nhan-mac

Thông tin thành phần dinh dưỡng trên một hộp sữa

Thực tế, bất kỳ loại thực phẩm đóng gói nào cũng đều phải ghi cụ thể những thông tin về tính chất, đặc điểm của sản phẩm trên bao bì. Đây là dấu hiệu để nhận biết chất lượng sản phẩm. Sản phẩm cần có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đầy đủ thông tin nhà sản xuất như địa chỉ, số điện thoại, nhà sản xuất, ngày sản xuất vả hạn sử dụng (HSD)… Đây là những yếu tố giúp bạn chọn sản phẩm chất lượng và an toàn.

 

Theo chuyên gia tại FOSI